26 thg 5, 2021
Cách tết chuỗi hoa cúng của Ấn Độ
- Cách tết chuỗi hoa cúng của Ấn Độ
25 thg 3, 2021
Một chuyến đến giáo xứ Tịnh Sơn, Phú Yên.
Đợt này đang nhiều việc, nên khi được rủ đi làm từ thiện ở Phú Yên, mình rất ngần ngừ. Nhưng rồi được nài nỉ đi theo để có gì lái xe ô tô thì mình cảm thấy mình thật quan trọng, nên nhận lời đi.
Kế hoạch thay đổi từ thuê một tài xế
thành mình lái xe từ Sài Gòn ra Phú Yên. Em họ mình nghe mình lái đường dài như
vậy thì hết hồn. May quá là kế hoạch lại đổi lại là mua vé máy bay từ Sài gòn
ra Tuy Hòa, rồi từ đó đi tiếp khoảng hơn 50km ra Tịnh Sơn. Gì chứ, mình cũng thở
phào nhẹ nhõm. Mình không sợ lái xe, mà chỉ sợ công an!
Mọi thứ sắm sửa cho việc làm từ thiện
đã giải quyết xong qua điện thoại. Ở Tịnh Sơn cũng đã thuê được xe. Giờ chót
thì chỉ còn ba người lên đường, cũng không sao. Tại sân bay, có hơi vật vã điền
hồ sơ khai báo y tế nhưng rồi cũng qua trót lọt, vừa vặn vào đến phòng chờ 5 phút,
mình vừa kịp lấy nước uống xong thì xếp hàng vào máy bay luôn.
3h chiều đến sân bay Tuy Hòa, em
Thái tài xế đã đến đón, chở 3 người mình đi vòng vòng tham quan thành phố rồi
ghé vào một tiệm chay, để sư cô và chị bạn ăn trưa. Đây là tiệm chay do một sư
thầy mở ra, không thu tiền người đi tu đến ăn. Tiền lời thu được, lại dùng để
chia sẻ đến người nghèo. Tiệm bán đồ ăn ngon. Mình không ăn gì vì đã ăn bánh mỳ
lúc trưa, nhưng mua một hộp bột gạo lức và mè đen, về ăn cũng ngon lắm (1).
Ăn xong thì chạy về Tịnh Sơn (2).
Trên đường đi nói chuyện nhiều hơn mới biết, em Thái cũng là dân công nghệ
thông tin, từng mở công ty làm web trong Sài Gòn, rồi giờ thì về quê, kiểu như
anh Hải, chạy xe rong ruổi giúp mọi người và giúp sư thầy ở tiệm chạy. Mình ngồi
im cảm khái…Không khai ra mình cùng nghề. Biết nói sao nhỉ, chỉ cần sống có ích
và cảm thấy hạnh phúc là được.
Con đường từ Tuy Hòa về Tịnh Sơn, chạy
dọc con Kênh Bắc đẹp lắm. Hẳn là mình đã nghe về con kênh này, nhưng giờ mới được
nhìn thấy. Con kênh này được xây dựng từ thời Pháp, tưới tiêu cho nguyên một
vùng. Kênh rộng chừng 6m, nước trong, một bên đường nhựa, một bên là các ngôi
nhà nhỏ xinh xinh và cây cối, thỉnh thoảng có một cây cầu nhỏ nối từ đường nhựa
vào phía nhà cửa. Đang là lúc chiều tà, có thể thấy nhiều trẻ con nô đùa trên
dòng kênh. Mình thấy con kênh này xinh xắn không thua gì các con kênh ở Hàng
Châu. Nếu thiết kế được một tour du lịch hằng thuyền dọc kênh thì hay biết mấy.
Phải 6h chiều mới đến nơi. Sơ Sang
đón vào rồi mọi người tranh thủ đi thăm và tặng quà ba gia đình gần tu viện.
Toàn là các hoàn cảnh già cả, neo đơn, bệnh tật. Thế mới thấy, sống thọ mà sống
không khỏe thì…rất khổ. Đi xong 3 nhà thì chúng tôi về ăn tối. Có khách từ xa
nên các sơ chuẩn bị các món ăn nhiều và trang trí cũng đẹp.
Kế hoạch ngày mai có vẻ phải dậy sớm
vì các sơ thức sớm lắm, 5h các sơ đã hát Thánh lễ buổi sáng rồi. Mọi người bàn
kỹ hơn kế hoạch ngày mai, lúc này mới hỏi là xe thuê là xe số hay xe tự động. Nếu
xe số thì làm sao mình tự tin mà lái, hừ hừ…Nếu xe số mà mình không lái thì cuối
cùng vai trò trong chuyến đi của mình là gì, hừ hừ…
Buổi tối, chúng tôi được bố trí ngủ ở
gian phòng khách. Chỗ ở này của tu viện bên cạnh nhà thờ Tịnh Sơn. Các gian nhà
lợp mái tôn, phòng tắm không có nước nóng. Cũng may trời không lạnh quá. Vậy
khi trời lạnh các sơ phải làm sao (đã quên không hỏi). Dù đã đóng kín các cửa đề
phòng gió buổi tối, tôi vẫn rất khó ngủ ban đêm vì lạnh đầu. Mãi sau trùm chăn
kín cả đầu thì chắc cũng ngủ được một chút.
Buổi sáng, tôi đã tỉnh dậy từ trước
khi tiếng ca trong Thánh lễ vang lên. Giọng các sơ thánh thót nghe hay lắm, êm
đềm lắm. Dù bị đánh thức bởi âm thanh này, cũng không lấy gì làm khó chịu, lại
vẫn có thể nướng tiếp một chút. Xa khỏi Sài Gòn, mọi sinh hoạt đảo lộn và có vẻ
khác thường cũng tốt.
6h thì xe đến chờ hàng đến điểm phát
quà trước. Các sơ chuẩn bị bắp và khoai luộc cùng bánh bột lọc ăn sáng. Khoảng
7h là lên đường. Cái xe thuê được là xe số, hừ hừ…Có cô sư cô lái nên mình khỏi
lái. Thật vẫn chưa được ích lợi gì trong chuyến đi cả!
Nơi phát quà là xã Krong Pa, dân tộc Ba Na và xã Tân Bình dân tộc Gia Rai. Từ Tịnh Sơn qua Krong Pa khoảng 25km. Hai bên đường hoang sơ, vào mùa trồng mía nên chỉ thấy mía mà thôi. Thỉnh thoảng có chỗ trồng bắp, trồng mì. Ở đây không có sinh kế gì khác ngoài nông lâm nghiệp. Hết trồng mía, ngô, khoai sắn, tới tháng 3 thì vào rừng kiếm tổ ong. Tới tháng 8 mùa mưa thì vào rừng tìm nấm mối.
Nghe kể nấm mối ăn ngọt lắm, hái
thích lắm, mình cũng muốn có được trải nghiệm vào rừng hái nấm ghê. Nhưng mọi
người nhìn mình bảo không theo kịp người ta đâu. Người ta mà thấy nấm là sấn tới
bất kể gai góc, nhiều khi hái xong nhìn lại chung quanh toàn gai, không rõ vì
sao đã chui vào được.
Hồi xưa thì nấm mối không mắc, nhưng
từ khi người Sài Gòn ăn nấm mối, nấm chuyển về Sài Gòn là chính nên giá cứ tăng
dần. Năm ngoài khoảng 250 ngàn một kg ngay tại đây. Dù sao thì mình cũng muốn dịp
đó sẽ quay lại nơi này, ai biết, trúng được ổ nấm mối thì sao.
Đợt này, sẵn mang cái chân máy theo
nên mình dựng lên quay phim phát quà cho bà con dân tộc. Thế là từ đó về sau, đến
nhà nào sơ Sang cũng kêu mình vào chụp, như thể mình lên đây để chụp hình vậy
đó. Cuối cùng, cũng cảm thấy có chút vai trò “quan trọng” trong chuyến đi, hihi.
Trong các nhà ghé vào dọc đường từ
Krong Pa trờ về xã Tân Bình, mình ấn tượng ba nhà.
Một là nhà của một “bà điên”. Nhưng
khi tìm vào thì bà đã bỏ đi đâu mất. Nhà trống hua trống hoắc, quần áo hay giẻ
cũng không phân biệt được. Đồ đạc mục nát. Ấy vậy mà nghe sơ kể là khi cho bả đồ,
bả cũng biết giấu xuống dưới chiếu nghen.
Một nhà khác là nhà một em bé, thấy mặt mũi sáng sủa binh thường, tay chân lành lặn. Nhưng không rõ vì sao mà không đi được. Có vẻ như hai cái đầu gối không duỗi gập được, nên em nó đi như lật đật. Phải mà ở thành phố lớn thì sẽ khác. Ở đây thì đành chịu thế. Muốn biết đó là bệnh gì cũng không biết, mà các sơ cũng chưa từng gặp ba mẹ của bé, vì đến toàn vào giờ họ đi làm rẫy. Sơ nói, nếu mà biết bệnh gì, chỗ nào chữa, thì nhà thờ giúp đưa bé đến nơi. Nhìn mắt bé thấy buồn quá.
Nhà thứ ba là một gia đình dân tộc Gia Rai, không quá khó khăn. Cụ ông và cụ bà đẹp lão lắm. Cụ bà cao chỉ khoảng 1m4 nhưng có tận 11 người con. Cụ có vẻ đỏm dáng lắm, khi được quay phim chụp hình thì cũng …điệu đà, ngúng nguẩy đáng yêu lắm.
Sau khi phát quà xong, khoảng gần
12h trưa. Từ đây tới chiều là thời gian thưởng ngoạn. Theo dự tính là thẳng lên
Trà Kê, điểm cao nhất chỗ gần đây. Mình nghe nói thì tưởng tượng ra khung cảnh
núi non hùng vĩ, bên rừng bên thác. Tới Trà Kê mình không thấy gì đặc sắc, có
tí thất vọng.
Nhưng khi mua xong đồ ăn và mang vào
nhà thờ, lên nhà sàn ngồi ăn, gió mát lồng lộng, chuông gió tre thỉnh thoảng lốc
cốc nghe thật vui tai. Đối diện nhà sàn là nhà thờ. Nghe đâu cha cố một mình,
trong vòng 7 năm mà làm nên được cơ ngơi như vậy!
Mình ngồi ở nhà sàn ăn uống no say,
gió mát, cảnh đẹp thích quá, nên mọi người rủ vào trong nhà thờ, rằng bên trong
toàn gỗ hoành tráng lắm, mình lười không vào. Khung cảnh này, sao gợi lên một
cái gì đó quen thuộc mình từng trải qua, kiểu như “ déjà vu”, mà mình không giải
thích được.
Cha Triều, cha cố nơi đây còn trẻ,
khoảng 40, sởi lởi, vui tính. Cứ trách sao không báo trước để cha làm cơm đãi,
mà lại mua đồ ăn ngoài chợ. Xem chừng là lần sau lên vùng này, sẽ có thêm một địa
điểm tiếp đón rồi đây.
Rời Trà Kê, chúng tôi đến thăm và
cho quà vài gia đình nữa. Có một nhà, bà mẹ 86 tuổi, bị con trai đuổi ra khỏi
nhà ngày khi tang chồng bà xong. Bà mẹ không biết đi đâu, bèn cất ngay cái chòi
bên cạnh ngôi nhà để ở. Khi đến nơi, nhà anh con trai đóng im ỉm, còn bà mẹ thì
chảy nước mắt khóc. Mình thì không hiểu luật pháp ở đâu, miệng đời ở đâu. Không
có câu giải đáp!
Xong việc, chúng tôi đến
thăm hồ Xuân Hương và nhà thờ sông Hinh. Trên đường, thấy sơ đeo một cái nhẫn bạc,
tôi mới hỏi lai lịch. Thì ra đây là chiếc nhẫn ghi dấu lời khấn của một người
tu sĩ. Có ba lời khấn : lời khấn khó nghèo (nguyện không có tài sản tiền bạc
cho riêng bản thân), lời khấn khiết tịnh (nguyện sống độc thân suốt đời) và lời
khấn vâng phục (nguyện vâng phục bề trên hợp pháp trong đức tin).
Lúc này
đã thân hơn, tôi mới hỏi sinh hoạt của các sơ thì lấy ở đâu ra. Sơ mới giải
thích là có một cộng đoàn nhánh tu. Tiền các nơi nhận được gom về một chỗ rồi
phân chia ra các nơi theo như cầu. Như ở Tịnh Sơn thì không có làm gì ra tiền,
thì chỉ xin tiền về sử dụng thôi. Sinh hoạt của các sơ cũng đơn giản và tiết kiệm.
Từ đầu dịch đến giờ chắc cũng khó khăn nên việc phân bổ ngân sách của cộng đoàn
có ít hơn.
Hỏi xong về 3 lời khấn nguyện thì cũng đến Hồ Xuân Hương. Hồ đơn sơ, mát mẻ chứ không có gì đặc sắc. Từ hồ qua nhà thờ sông Hinh cũng tiện đường, không xa mấy. Nhà thờ thiết kế hình tam giác, bằng đá tìm được ở ngay tại suối ở địa phương. Các phần bằng gỗ thì gỗ cũng rất hoành tráng ở địa phương.
Nhà thờ xây trên một phiến đá hẳn là to dày
lắm, vì khi đào giếng, khoan sâu xuyên qua tảng đâ cả 150m hơn mới đến nước. Trục
tròn đá khoan giếng cũng được dùng để trang trí. Mình có cầm trong tay một mảnh,
đường kianh hơn 10cm, cao hơn 10cm, thấy cũng nhẹ, nhưng mình không lấy về.
Mình
có nói với cha là mình phê bình cha, vì dùng gỗ thế này thì hại biết bao rừng,
ka ka. Cha mở nhạc ngọt ngào tình cảm lắm nghen, mời uống trà Thái Nguyên, còn
mình thì lo săm soi gỗ đá, ka ka.
Rời nhà thờ, chúng tôi đi thăm đập thủy điện sông Ba Hạ. Chỗ này là hồ thủy điện, phía xa là núi, mặt trời đang lặn xuống. Khi mặt trời khuất hẳn thì một tia sáng xanh lam rọi lên nền trời. Mặt trăng ngày đầu tháng từ từ hiện lên.
Chà,
đón hoàng hôn nơi đây thật tuyệt vời. Vì muốn quay cảnh hoàng hôn đến tận cùng
nên mọi người phải chờ mình khá lâu. Mọi người ở đây bảo rằng cũng hiếm khi bỏ
thời gian ngắm hoàng hôn như vậy, và cũng khá ngạc nhiên vì thái độ sung sướng
hạnh phúc ngắm nhìn buổi chiều tà của mình.
Hoàng
hôn xuống cũng đánh dấu một ngày làm việc đã xong. Mọi chuyện tốt đẹp, ai cũng
thấy hài lòng. Riêng mình thì đặc biệt hài lòng, dù thấy có chút vô dụng vì
không giúp được gì nhiều, xe cũng không lái tí nào, vì sư cô lái lụa là quá,
nên mình ngồi im cho xong, hihi…
Nếu
các bạn có thời gian rảnh rỗi, hãy thử về đây một chuyến, thăm người dân, hiểu
thêm những mảnh đời khác. Phong cảnh không hoành tráng như Tây Bắc nhưng dòng
kênh Bắc rất êm đềm, hoàng hôn ở thủy điện sông Ba Hạ thì rất tuyệt vời. Và bình minh thì rất tinh khôi nhé. Nếu ở tại chỗ, bạn sẽ nghe thấy cả tiếng chim kêu, chó sủa. Một không gian có vẻ hoang sơ nhưng lại rất ấm cúng.
Nhím tiểu thư
25 thg 11, 2020
Phía sau một bác sĩ hay một lần đi du lịch thành đi cấp cứu
Chiều vừa tham quan Mù Căng Chải xong, đoàn chúng tôi 4 người, chạy quá lên tí nghỉ ở Than Uyên, một huyện miền núi ở Tây Bắc, cách HÀ NỘI hơn 300km.
Gần 8PM ăn cơm tối xong, một em trong đoàn
quá mệt, nghỉ trong phòng không đi ăn, nên mấy chị em mua cháo cho nó. Ban đầu
em nó bảo để sáng mai đi bệnh viện cũng được. Nhưng sau một lúc gặng hỏi, có
phần quyết liệt, thì em nó bảo cần phải đi bệnh viện ngay trong đêm, mà chỉ có
bệnh viện huyết học HÀ NỘI mới có thuốc! Lúc này vừa ở xa vừa chưa biết đi
đường nào về cho gần nhất. Lái xe trong đêm, lại đường đèo là cả vấn đề, mà em
lái xe đang rất mất bình tĩnh.
Lúc đầu cả bọn định chạy về Lào Cai, thành
phố lớn, có mối quan hệ, sẽ có xe cứu thương về HÀ NỘI. Chủ khách sạn khuyên
ghé bệnh viện Than Uyên. Lúc đấy may được một anh bạn giới thiệu một bạn bác sĩ
chuyên về căn bệnh em kia đang mắc phải (gọi là COBS). COBS nói phải vào BỆNH
VIỆN để được truyền thuốc rồi hẵng đi tiếp. Thế nên cả đám quyết định ghé bệnh
viện Than Uyên. Đây là quyết định chính xác và may mắn. Vì từ Than Uyên về Hà
Nội chỉ mất 5 tiếng, chứ về Lào Cai thì xa thêm ít nhất 2 tiếng chạy xe.
BỆNH VIỆN Than Uyên cũng là BỆNH VIỆN to ở
khu miền núi này, có 2 xe cứu thương. COBS nói chuyện với bác sĩ ở đây để chỉ
dẫn thuốc. Khi bác sĩ ở Than Uyên thông báo sẽ ghi âm lại, mình giật mình, vì
chỉ quen biết COBS qua một anh bạn, bị yêu cầu ghi âm như thế có đồng ý không.
Chuyển một bệnh nhân từ nơi khỉ ho cò gáy về Hà Nội, ai biết trên đường có
chuyện gì. Chẳng may thì cả sự nghiệp của COBS tiêu tan chứ có phải chuyện chơi
đâu. Đầu dây bên kia im lặng một lúc, rồi vẫn tiếp tục hướng dẫn. Mình thầm
biết ơn.
Khoảng 21:12 vào bệnh viện thì 22:42 lên
được xe cứu thương về HÀ NỘI. Tất nhiên trong khoảng thời gian đó là đầy tất
bật, thảo luận đủ thứ. Các y bác sĩ nhân viên ở Bệnh Viện Than Uyên hỗ trợ
nhiệt tình, không nhận một đồng tiền bồi dưỡng của chúng tôi. Tôi ngồi xe cứu
thương cùng bệnh nhân, tài xế và một bác sĩ đi kèm. BỆNH NHÂN đã được chỉ đạo
tiêm thuốc, truyền thuốc cẩn thận.
Hơn 3h sáng thì về đến bệnh viện. BỆNH
NHÂN đã rất đau từ Than Uyên, đã phải dùng cáng và xe đẩy, không thể tự đi
được. Sau một màn nhập viện hơi cam go, nhưng chưa được điều trị ngay vì không
có giấy tờ gì chứng tỏ bị căn bệnh đặc biệt bệnh đó. Cần làm xét nghiệm. Mình
hỏi xét nghiệm làm mất bao lâu thì họ nói mất 3 tiếng. Trong 3 tiếng sẽ tiếp
tục nguồn cơn của cơn đau, có thuốc giảm đau thì không có cảm giác đau nhưng
tác hại về sau là càng lớn, quá trình hồi phục càng lâu. Việc này y bác sĩ hoàn
toàn đúng, vì nếu truyền sai thuốc thì chết người như chơi.
Từ một cái like của Giáo Hoàng nghĩ đến chuyện đánh ghen
Sau một lúc trao đổi, mình thấy cô điều
dưỡng đang gọi điện thoại, sau này biết là gọi bác sĩ giám đốc. Qua điện thoại
chị giám đốc cũng kiên quyết phải làm xét nghiệm chứ không truyền thuốc cho
ngay. Mình xin được nói chuyện qua điện thoại thì chị ấy bảo sẽ xuất hiện. Chị
ấy xuất hiện cũng nhanh, nghe giọng bọn này miền nam, chất vấn bệnh nhân một
lúc, thấy nó hiểu rõ bệnh tình, nói chính xác, chị ấy quyết đinh cho truyền
ngay 4 lọ thuốc (đồng thời xét nghiệm vẫn phải làm theo qui trình). Coi như cả
bọn vẫn gặp may, vì nếu không phải là ca trực của chị ấy thì sẽ không ai dám
quyết cho truyền thuốc ngay như vậy.
Bác sĩ, điều dưỡng đều đã mắng bệnh nhân
quá bậy, dám đi nơi khỉ ho cò gáy trong tình trạng không có chuẩn bị thuốc men
dụng cụ như thế. Mình hoàn toàn đồng ý. Không chuẩn bị, không thông báo cho mọi
người như thế này là rất ích kỷ. Thôi thì thở dài cho là câu chuyện của tình
yêu và tuổi trẻ thôi. Hi vọng em nó thực sự rút kinh nghiệm qua việc này. Còn
mình thì hít thở, thấy may mắn vì sinh ra là người khỏe mạnh. Tất nhiên chuyến
đi thì toang, sau 36h. Dù sao cũng là một trải nghiệm, không mong gặp phải,
nhưng đã gặp và vượt qua thì cũng…hài lòng.
Nhân tiện cám ơn một lần nữa các bạn bè đã
giúp đỡ mình trong khoảng thời gian khó khăn đó. Mình lại có thêm bạn mới. Mình
cũng hiểu thêm nhiều sự tình. Phải cám ơn bác sĩ và nhân viên y tế BỆNH VIỆN
Than Uyên và Huyết Học HÀ NỘI đã chăm sóc bệnh nhân, để mình hoàn thành sứ mệnh
“một chuyến đi có người cần cấp cứu”.
Những ai làm nghề y vẫn là hi sinh, thức
đêm hôm lễ tết, tiếp xúc thường trực với bệnh nhân đang chịu đau đớn, người nhà
bệnh nhân dễ cáu gắt, vặn vẹo. Quả là một môi trường độc hại. Phía sau một bác
sỹ giỏi là một nghĩa trang... Quả không sai.
Nhím tiểu thư
15 thg 11, 2020
Chuyện linh tinh về nước Ấn (Phần 1)
1/ Cậu bạn cùng phòng làm việc
Hồi làm việc bên Ấn Độ, ở thành phố Hyderabad, mình hay họp luôn trong phòng làm việc chung, vì việc đặt một phòng họp là không dễ, số lượng nhân viên nhiều, mà phòng họp thì ít. Các nhóm khác cũng thường xuyên họp trong phòng hợp chung như mình.
Giọng mình vốn dĩ to khỏe, chắc cũng làm
phiền người khác (nhưng cũng chỉ như các nhóm khác mà thôi). Một hôm, sau cuộc
họp, một bạn đi đến hỏi mình có thể vô phòng riêng họp không, vì giọng mình to
quá...Mình ậm ừ cho qua, có hơi ấm ức, vì có nhiều người còn mở loa to điếc tai
ồn ào hơn mình sao bạn không nói.
Mấy tuần sau, mình vẫn ngồi họp tại chỗ, vì chả thấy bạn ấy. Vô tình không để ý, một hôm có bạn ấy. và thấy bạn ấy tiến lại gần, hic hic...Mình nghĩ chắc là bạn lại càm ràm mình ồn ào đây.
Nhưng thật bất ngờ, bạn
lại hỏi thăm mình sống bên Ấn thế nào, có quen không. Mấy bữa sau lại cho mình
đồ ăn, là cái bánh gì đó ở quê bạn. Bữa khác lại cho mình ít muối vừng... :)
Bữa khác lại cho mình cái bánh gì ở đền thờ. Ah, ra là muốn làm quen với
mình à.
2/ Lễ Holi
Cái tình cảm của mình dành cho Ấn
cũng kỳ, mà tình cảm người Ấn dành cho mình cũng lạ. Cái xứ gì rau cỏ không nhiều, đồ
ăn dở ẹt, bụi mù ngoài đường mà mình lại nhớ.
Vào dịp gần lễ Holi, vào mùa xuân, còn được gọi là lễ hội sắc màu hay lễ
hội chia sẻ tình yêu, mình sẽ được các bạn Ấn Độ nhắc, gửi tin nhắn chúc phúc
và bảo mình
nhớ trét màu lên các bạn Vietnam nha. Mình bảo thôi để mình kể về lễ Holi thôi,
chứ trét lên chắc bị oánh (câu này chỉ nghĩ, chứ không có nói ra, kha kha...).
Lễ Holi, mình được chứng kiến bên Ấn, người ta trét các thứ bột màu lên người nhau, càng nhiều càng vui hay sao đó. Mình nhìn họ cũng thấy vui, dù nhủ thầm thôi đùng trét lên mình (vì đang trên đường đến chỗ làm). Mà lại chặc lưỡi, lỡ có bị trét cũng không sao, vì thấy vui.
Mình nhớ
hôm đó người ta tổ chức hát hò nhiều lắm. Mãi tận đâu gần 12h đêm mà vẫn còn
một đám hát inh ỏi ngay trước nhà mình. Chủ nhà cuối cùng phải ra nói để người
ta đi chỗ khác để còn ngủ.
Bài nghe : Cái tên và vận mệnh cuộc đời
Cùi Bí xanh, vỏ dưa chuột, cháo đậu đỏ = Thuốc giảm cân hiệu quả
3/Đời sống hàng ngày
Ở vùng Hyderabad, nước nhiều vôi. Đun nước xong hôm sau là thấy lóng trắng. Thế nên răng người họ chắc, khỏe và trắng. Cả các bạn từ phương bắc tới hàm răng cũng trắng đẹp.
Họ ăn cả trầu nữa, nhiều hàng bán trầu lắm, nhưng không thấy cau.
Điện ở đây thỉnh thoảng lại cúp, tuần vài lần, nhất là vào mùa hè, khi nắng nóng, tiêu thụ điện lên cao.
Mà người Ấn lạ lắm nhen, trời nắng và nóng, họ vẫn đi đầu trần, không ai đội nón cả. Mình hỏi thì họ nói văn hóa như thế, họ quen rồi.
Trời mưa họ cũng điềm tĩnh, không ba chân
bốn cẳng chạy trú mưa. Chẳng thấy ai mặc áo mưa cả! Họ cứ hứng mưa, mặc kệ ướt thế đấy, thật là lạ.
Người dân Ấn đa phần ăn chay từ bé đến lớn, hoặc ăn gia cầm (chủ yếu là gà). Các con vật như heo, bò rất ít người ăn. Về mặt này họ tiến bộ hơn phần đông còn lại của thế giới đấy chứ (?).
Nhìn những người ăn chay trường từ bé, họ vẫn bình
thường khỏe mạnh, thậm chí béo tốt hơn mình. Điều đó chứng tỏ cơ thể đáp ứng rất tốt. Đâu cần phải
giết con vật khác để có năng lượng cho mình.
Có lẽ mình ở nơi hẻo lánh, mình chả thấy ai để ý nếu mình mặc đồ nhăn thế nào, miễn là nó kín. Chả thấy kiểu tóc có gì quan trọng, vì thấy cứ gọn gàng là được. Giày dép thì khỏi nói, có dép mà đi là được. Có hôm vô trung tâm, cũng thấy kiểu này kiểu nọ, có lẽ họ cũng có để ý đó, nhưng chắc họ chả để ý đến mình, nên khỏe lắm.
Ấy nhưng mà một hôm mình mặc áo dài, kiểu áo truyền thống ở Việt Nam, lúc mặc cái áo khoác (vì trời lạnh) thì không sao. Khi mình bỏ áo khoác ra là đồng nghiệp nữ nói liền :”Chi ơi, mặc áo khoác vô đi, áo của mày …mỏng quá”!!!
Hoặc một hôm mình mặc váy, dài quá đầu gối, mà không mặc vớ da chân là đủ làm nhốn nháo cả phòng làm việc!
4/Một lần cắt tóc
Một hôm cần phải cắt tóc, mà thấy quanh nhà chỉ có tiệm cắt tóc nam, chỉ toàn đàn ông đi ra đi vô. Hỏi đồng nghiệp nữ thì mấy cổ …không biết do không cắt tóc! Mấy cổ sùng đạo lắm, chỉ cắt tóc khi hiến tóc cho …thần.
Vừa cần phải cắt tóc, vừa cũng muốn trải nghiệm cắt tóc ở Ấn nó thế nào, nên hôm đó, sau khi đứng ngó 5ph ngoài tiệm, mình quyết định bước vào, yêu cầu cắt ngắn tóc, đúng kiểu.
Anh thợ gật gù, mà sau này mình biết là không hiểu mình nói gì! Anh ta lia kéo qua 4, 5 đường, biến tóc mình từ tém nhật thành cái mủm dừa rồi bảo xong! Hết đâu 20 rupee (cỡ 7k VNĐ). Chắc là tiền nào của nấy rồi!
Nhím tiểu thư