19 thg 7, 2023

6 vấn đề gia đình thường gặp và giải pháp

6 vấn đề gia đình thường gặp và giải pháp

 

6 vấn đề gia đình thường gặp và giải pháp



(Nhimblog) Các gia đình hạnh phúc đều có điểm chung giống nhau, còn những gia đình không hạnh phúc đều bất hạnh theo những cách khác nhau.

Trong khi mỗi gia đình đều có những khó khăn riêng, thì vẫn có những vấn đề chung khiến nhiều gia đình gặp phải các vấn đề rắc rối.

Trong hầu hết các trường hợp, hàng triệu gia đình trên thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, bài viết này sẽ liệt kê một số vấn đề gia đình điển hình và đưa ra giải pháp tương ứng.

1. Khoảng cách

Khoảng cách, do công việc hoặc những lý do khác, có thể gây căng thẳng cho một mối quan hệ lành mạnh, đặc biệt là sau khi có con.

Nếu bạn không thể giảm bớt số lần xa nhà, thì bạn có thể thực hiện các hành động khác để rút ngắn khoảng cách giữa bạn và gia đình.

Ví dụ: bạn có thể trò chuyện video hàng đêm, chơi trò chơi trực tuyến cùng nhau hoặc xem phim cùng một lúc. Trong thời đại kỹ thuật số, có nhiều giải pháp cho khoảng cách tạm thời.

Các vấn đề về khoảng cách đôi khi phát sinh không chỉ do khoảng cách quá lớn mà đôi khi do khoảng cách quá gần.

Các phương tiện truyền thông thường kể các câu chuyện cổ tích rằng: nếu hai người yêu nhau, họ có thể hạnh phúc bên nhau từng giây từng phút.

Mặc dù câu chuyện này có thể rất hiệu quả trong vài tháng đầu hẹn hò, nhưng bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào cũng cần có không gian cá nhân. Do đó, điều rất quan trọng là phải có sở thích và mối quan hệ xã hội độc lập của riêng bạn.

 2. Lịch trình hỗn loạn

Là cha mẹ, có nhiều lúc dường như không có thời gian rảnh rỗi hoặc mọi thứ bị xáo trộn vì công việc.

Lịch trình của cha mẹ có thể lộn xộn vì công việc, vì việc nhà hoặc các hoạt động của con cái, khiến họ có ít thời gian cho những việc mình muốn làm.

Giải pháp là hãy thường xuyên dành cho mình một khoảng thời gian rảnh rỗi và lập một kế hoạch.

Bằng cách này, bạn có thể ưu tiên những điều quan trọng nhất theo kế hoạch của mình và sau đó tận hưởng thời gian của mình.

 3. Tranh luận và cãi cọ

Bất đồng là bình thường và là việc không thể tránh. Tất cả chúng ta, ai cũng có ý kiến ​​​​của mình.

Nhưng khi sự giao tiếp hàng ngày mất dần và thường được thay thế bằng những cuộc tranh cãi và thậm chí là bạo lực, thì việc tìm kiếm giải pháp phải bắt đầu.

Dù là với vợ/chồng hay con cái, tranh cãi có thể làm gia đình thêm căng thẳng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự bất đồng, các mối quan hệ gia đình thậm chí có thể bị tổn hại vĩnh viễn.

Vì vậy, hãy xử lý các cuộc tranh luận một cách cẩn thận và đừng để cảm xúc dâng cao chi phối hành động của bạn.

Thay vào đó, hãy tập trung vào vấn đề đang bàn và tự hỏi bản thân:

“Tại sao đối phương lại có suy nghĩ như vậy, mình đã nghiêm túc tìm hiểu chưa?”

Tuy hai bên có ý kiến ​​khác nhau nhưng trong nhiều trường hợp vẫn có thể tìm thấy điểm tương đồng, để có thể trao đổi trong không khí hòa bình.

Tranh luận không phải là một điều xấu, tất cả chúng ta đều trải qua điều đó.

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận có thể được giải quyết một cách hoàn hảo nếu mọi người cố gắng hết sức tôn trọng lẫn nhau và cố gắng đạt được sự đồng thuận nào đó.


Những câu nói hay về cuộc sống-phần 2 


4. Bất đồng quan điểm về cách nuôi dạy con cái

Nếu bạn đã làm cha mẹ hơn một ngày, rất có thể bạn không đồng ý với nửa kia của mình về một số khía cạnh trong việc nuôi dạy con cái.

Những bất đồng về cách nuôi dạy con cái chắc chắn sẽ xảy ra và là một phần không thể tránh khỏi của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, giống như bất kỳ sự khác biệt nào về quan điểm, cách tiếp cận bình tĩnh và hợp lý có thể giúp giải quyết các vấn đề về nuôi dạy con cái.

Đối phó với các tranh chấp về nuôi dạy con cái, hoặc bất kỳ sự bất đồng nào khác, đòi hỏi bạn và nửa kia của mình phải học cách thỏa hiệp và đặt lợi ích tốt nhất của con cái lên hàng đầu.

Là cha mẹ, bạn có thể cùng nhau tham gia các khóa học liên quan, chăm chỉ học hỏi kiến ​​thức nuôi dạy con cái, bớt thiên vị bản thân.

 5. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Giống như hầu hết người lớn, công việc là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của nhiều bậc cha mẹ.

Mối quan hệ mâu thuẫn giữa nhu cầu hỗ trợ tài chính cho gia đình và mong muốn hỗ trợ lẫn nhau về mặt tình cảm có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Một số giải pháp là duy trì tốt ranh giới công việc và gia đình là:

Hãy chắc chắn rằng bạn dành thời gian cho những gì quan trọng nhất đối với bạn và gia đình.

Đó chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng học cách không mang cảm xúc từ nơi làm việc về nhà sẽ có lợi ích lâu dài và học cách nói không để bạn không bị choáng ngợp bởi sự hối hả và nhộn nhịp.

 6. Ngoại tình

Ngoại tình là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn.

Khi một người bạn đời lừa dối, các câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hàn gắn lại cuộc hôn nhân, hoặc làm thế nào để cuộc hôn nhân trở lại như xưa.

Phòng ngừa là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề ngoại tình và điều đó có nghĩa là cả hai bên đều cam kết và nuôi dưỡng đầy đủ mối quan hệ.

Tuy nhiên, một khi ngoại tình đã xảy ra, nếu cả hai vợ chồng cố gắng giải quyết mà không có kết quả, họ có thể nhờ sự hỗ trợ chuyên nghiệp thông qua tư vấn gia đình.

Tư vấn gia đình, một mặt có thể khiến các thành viên trong gia đình tự tin hơn trong việc hàn gắn mối quan hệ. Mặt khác, dưới sự hướng dẫn của các cố vấn chuyên nghiệp, các liệu pháp gia đình có thể khiến cả hai bên trở nên tốt hơn, để thấy rõ được những lỗ hổng trong cuộc hôn nhân và tìm ra cách khắc phục.

Nhimblog

2 thg 1, 2023

Ấn tượng các loài hoa trong đời

Ấn tượng các loài hoa trong đời

 Hoa xuất hiện trong đời nàng từ lúc nào, nàng không nhớ được.

Hồi tưởng lại, loài hoa sớm nhất mà nàng ghi nhớ trong đời, chắc là khi nàng 6 tuổi. Đó là hoa trang, có nhiều màu đơn sắc, phổ biến nhất là đỏ cam, mùi thơm nhẹ. Nàng biết và ghi nhớ loài hoa này không phải bởi màu sắc hay hương thơm của chúng, mà bởi vì mút từng bông hoa nhỏ tí khi bứt lên, có vị ngọt man mát. Thủa đó, đám con nít như nàng thật ngây thơ, chẳng có suy nghĩ gì về cuộc đời thế này thế nọ. Hoa chỉ để mút mật ngọt, chứ không phải để ngắm nhìn hay nâng niu.

Rồi thì thược dược, hướng dương, mãn đình hồng, cúc, mười giờ, v.v cùng xuất hiện với nàng khi xuân về, bởi chợ hoa Tết ngay trước nhà nàng. Các loài hoa rực rỡ, tươi thắm, tràn đầy sắc xuân và nhựa sống. Nàng quen chờ đợi chợ hoa này, như chờ đợi xuân về, được lì xì, được mặc áo mới, được ăn bánh chưng. Mãi nhiều năm sau, đến khi chợ hoa bị dời đi, thay bằng phố đi bộ, lòng nàng có chút man mác. Cảm giác man mác một thời gian rồi cũng qua đi, chợ hoa trở thành ký ức.

Ngày lớp 5, nàng đã biết làm lưu bút khi hè về, đã nhớ đến hoa phượng. Những cánh phượng hồng đỏ thắm được làm khéo léo thành những con bươm bướm, ép trong các quyển vở trao tay. Nàng cũng bắt đầu thơ thẩn:

Phượng đã đến đây hè đã tới,

Hoa phượng rơi man mác tận lòng tôi,

Hoa phượng ơi hoa phượng đẹp muôn đời,

Nhưng hoa phượng lại là mùa ly biệt.

(Thơ sưu tầm)

Còn nhỏ tuổi mà đọc thơ sến sẩm vậy, nên tâm tính nàng cũng khá là u ám. Nàng luôn nghi ngờ mọi chuyện. Và tất nhiên, nàng nghi ngờ cả hoa hồng.

Hoa hồng - Ảnh : Nguyễn Linh Quang

Có một đóa hồng, được gởi cho nàng từ phương đông, không ghi một lời nào, khiến nàng luôn mãi băn khoăn. Liệu không ghi gì là đủ ý nghĩa, hay ghi ra thì thừa nhỉ? Không biết cành hồng này đã vượt qua những đâu, núi non sa mạc biển cả nào, đến với nàng lặng thinh như vậy. Rồi ai đó thì thầm với nàng rằng, lặng thinh không phải là trống rỗng. Lặng thinh là nơi ở của suy tưởng. Nơi đó, chắc hẳn là có thương nhớ… Theo năm tháng, sắc màu hoa đã  rất phai nhạt, dù hoa vẫn còn phảng phất hương thơm. Đó là hương thơm của một nụ hồng thuần khiết, trong sáng.

Một đóa hồng khác, một ngày đầu năm, được đem đến nhà nàng, cắm vào bình hoa cho nàng, khiến nàng rất bối rối. Chỉ bởi vì hoa hồng rất đẹp, và các cô gái đều xứng đáng nhận hoa hồng. Vậy thôi. Ấy nhưng mà ngày đó, vì tính nàng sến sẩm quá, nàng lại ép khô bông hoa, bởi nàng muốn có thể giữ được hoa thật lâu. Nhưng khi ép khô, hoa không còn hương sắc rực rỡ nữa rồi. Lần đó, nàng bị trách móc thậm tệ, vì đã đối xử sai trái với hoa. Nàng cảm thấy oan ức vô cùng và nàng khóc.

Hẳn là nước mắt có vị mặn, nên hôm sau nàng được gửi tặng một bó cúc vàng để xin lỗi. Hoa cúc vàng luôn có suốt bốn mùa, nhưng cũng dần không còn cần thiết nữa, vì những cãi vã dần nhường chỗ cho lặng thinh và xa cách. Bởi mầm mống của hiểu lầm bất tận chưa bao giờ được giải thích, nói rõ đến tận cùng. Ai cũng nghĩ mình đã hiểu đúng, dù là hiểu sai bét, vì biểu đạt những điều muốn nói trong lòng là điều không dễ. Mỗi người cùng đóa hồng và cúc vàng ôm trong lòng, không trao tặng, đi về những hướng khác nhau, gặp các loài hoa khác nhau.

Năm đó, nàng bỏ lên cao nguyên. Tháng giêng, hoa cà phê trắng muốt, nở thơm cả đất trời, xoa dịu bao buồn phiền, thất vọng trong lòng nàng. Nàng còn nhớ, cả thành phố như một lọ nước hoa khổng lồ, đón tiếp nàng thật hồn hậu, nồng ấm và chân thành. Nàng hít hà xuýt xoa mùi hương thanh thoát nhẹ nhàng tự nhiên đó, nàng thấy thật ấm áp. Nàng thấy như được an ủi bởi một người bạn thân quen từ muôn kiếp trước.

Hoa Fuschia - Ảnh : Nguyễn Linh Quang

Năm tháng trôi qua, nàng đi đến những vùng đất mới, nàng yêu một loài hoa khác, Fuschia. Tên hoa thật khó nhớ, nhưng đã nhớ thì lại nhớ sâu sắc. Loài hoa ưa bóng râm này thật khó tính, nhưng thật mới lạ, và nhiều màu sắc lắm. Mùa hè năm đó, Fuschia nở thật rực rỡ, chắc vì hoa cũng hiểu lòng nàng. Và nàng đã nghĩ nàng hiểu hết các đặc tính của hoa. Nhưng sang thu vào đông thì hoa trở nên còi cọc, bất kể nàng cố gắng chăm bẵm thế nào. Trái tim nàng năm đó cũng trở nên thật cô đơn và còi cọc như cây hoa vậy.  Fuschia không sống được ở xứ nhiệt đới nóng nực, dù nàng đã cố gắng trồng thử.

Theo thời gian, nàng chấp nhận hoa đến trong đời theo mùa, tô điểm cho đời sống, hết loại này đến loại khác. Các loài hoa thì nhiều, nhưng các loài hoa đến trong một đời người là giới hạn. Giới hạn của tháng năm, của địa lý, và của những người nàng gặp. Ký ức về từng loài hoa được ghi nhớ theo các cách khác nhau. Mỗi loài hoa có hương sắc, đặc tính riêng, có một sứ mệnh riêng trong đời nàng, mang lại sinh lực, năng lượng và tình yêu cuộc sống cho nàng. Khiến cho đời nàng tươi đẹp và phong phú. Dù thỉnh thoảng cũng có những nốt trầm, cũng chỉ để nàng phân biệt lúc này lúc khác, để hiểu thêm các loài hoa và thêm rõ chính nàng.

Nhiều năm tháng đã qua đi, nàng vẫn luôn yêu quý mọi loài hoa, dù là trong ký ức, hay trong đời thường. Nàng vui vì điều đó.

Nhím tiểu thư.



17 thg 7, 2021

 Những tháng năm rực rỡ : hướng về Hà Nội

Những tháng năm rực rỡ : hướng về Hà Nội

(Bài viết đã đăng báo Thanh Niên : Những tháng năm hướng về Hà Nội | Hà Nội thành phố tôi yêu | Thanh Niên (thanhnien.vn) và được chọn in sách "Hà Nội thành phố tôi yêu". Đây là bản thảo gốc).

Tôi được bạn cùng phòng trọ cho nghe bài hướng về Hà Nội (tác giả Hoàng Dương) vào một buổi tối mùa thu, khi tôi mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội trọ học. Hà Nội lúc đó rất lạ lẫm, khó ưa, khó gần. “Hà Nội ơi…thấu chăng lòng khách bơ vơ”, diễn tả thật đúng tâm trạng của tôi. Và thế là bài hát ngay lập tức vào trái tim tôi.

Lúc đó, tôi mới chỉ là cô gái 24 tuổi, lần đầu được sổ lồng đi học xa. Như cách tôi kể với mấy đứa cháu, là tôi phải làm cuộc cách mạng để tìm tự do. Đúng là tuổi trẻ đầy năng lượng, đầy khí chất. Đi xây dựng vương quốc của riêng mình, không ngần ngừ, ít tính toán. Nói đi là đi. Đúng là tôi có tự do. Tự do có đi kèm một chút trốn chạy. Trốn chạy những thân quen đang trở nên xa lạ, khiến trái tim tôi chưa thể ngừng thổn thức.

Tháp Rùa – Hồ Gươm

Từng bao ngày ngóng chờ được lang thang ở Hồ Gươm, đến khi thật sự dạo những bước đi đầu tiên, lúc đó là buổi sáng mùa thu, mặt trời dịu nhẹ. Một tâm hồn tràn ngập nỗi niềm trống vắng vì xa cách, bước lơ đãng trong buổi sáng tinh khôi, bỗng giật mình khi nghe giọng hát Hồng Nhung trong trẻo từ tiếng loa. Lời bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” (tác giả Trịnh Công Sơn), cất lên trong một không gian hoàn hảo, bỗng trở nên sâu xa lắng đọng lòng người. Cảm xúc đầu tiên đó, thật khó phai nhòa và không dễ có lại.

Nhớ những ngày đầu thu đó, trời mưa không to lắm, nhưng thường mưa rất dai, làm con đường đến trường trở nên rất lầy lội. Tôi đi bộ đi học, che bằng dù, lúc nào cũng bị bùn bắn bẩn quần. Nhưng cái cảm giác được cầm dù đi dưới mưa rất thú vị. Nhất là khi các con đường nhỏ và ngắn, nhà cửa hai bên rất thấp, để những tán cây dương vươn lên thật cao, những lá nhỏ, nhìn trong mưa thật yếu đuối và mềm mại. Và thường chỉ có mình tôi đi trên phố, với những suy nghĩ lung tung chẳng đâu vào đâu. Tôi không cảm thấy lạc lõng trong cái không gian đó, mà cảm thấy được sống trong một thế giới khác, an bình, lãng mạn, không phải lo lắng điều gì. Trái tim tôi dần được chữa lành như vậy.

Ngày sắp rời Hà Nội đi xa, tôi thường trầm tư, cố gắng gom nhặt, ghi nhớ những cảm xúc, những kỷ niệm, những hình bóng của mái nhà, con phố, những sinh hoạt bốn mùa, những đổi thay của gió, nắng, mưa, những tiếng cười, giọng nói của những người bạn. Họ vẫn hay trêu rằng tôi yêu Hà Nội thật rồi đó. Nhớ về Hà Nội lúc này là nhớ về hết thảy, rất chung chung, không có gì riêng biệt.

Trong thời gian học ở nước ngoài, một lần, tôi mở bài hát “Hướng về Hà Nội cho một người bạn, dân Hà Nội thứ thiệt nghe. Chẳng biết có phải lần đầu không, nhưng bài hát cũng ngay lập tức vào danh sách yêu thích của bạn ấy. “Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau…”. Bài hát như sợi dây kết nối chúng tôi với nhau. Hà Nội trở nên thân thiết hơn rất nhiều, vì gắn kết với riêng một người. Khác với tâm trạng bơ vơ lần đầu, trái tim nhỏ bé của tôi giờ đây lại rộn rã khi nghe bài hát. Bài hát và giai điệu vẫn thế, chỉ có tôi là khác.

Rồi theo năm tháng, sợi dây kết nối vẫn thế, vẫn như khi nó được ra đời, rất truyền cảm để kết nối những tâm hồn đơn côi, dù cho hai con người được kết nối năm xưa không còn kết nối gì với nhau nữa… Hà Nội gắn liền với những hoài niệm một thời tuổi trẻ nằm yên một góc.

Lá thu ở Hồ Gươm 

Rồi theo tháng năm, tôi là dân Sài gòn, mà không hiểu sao cứ kết bạn với hội Hà Nội. “Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong, hướng về ai nữa hay không”…Phải rồi, muốn gắn bó với một vùng đất, chỉ cần có những người bạn ở đó. Mỗi lần đi đâu, chơi hay công tác, nếu buộc phải ghé qua Hà Nội, chẳng bao giờ tôi ngần ngại, vì tôi biết mình luôn được tiếp đón. Tình yêu Hà Nội cứ được duy trì cùng những người bạn vậy đó.

Tình yêu ấy, coi vậy mà cũng lúc thăng lúc giáng chứ không yên bình. Cũng đôi lần, tôi chán ngán Hà Nội. Chán cái vẻ thâm u trầm buồn tôi từng yêu mến. Chán những cơn mưa phùn dai dẳng tôi từng thấy thú vị khi đi học dưới tán ô. Chán hết thảy mọi thứ... Rồi cảm xúc ấy cũng qua nhanh như gió mùa đông bắc. Hà Nội vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong lòng tôi.

Đặc biệt như những người bạn…

Đặc biệt như bốn mùa…

Đặc biệt như từng con phố…

Vâng, đấy là tình yêu Hà Nội của tôi.

Nhím tiểu thư.
Sài Gòn muôn phương

Sài Gòn muôn phương

 1. Đến và ở lại.

Ông nội tôi từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Bố tôi đi tập kết rồi quay về Sài Gòn làm việc sau hơn hai mươi năm. Anh chị em tôi được sinh ra ở khu mỏ than Quảng Ninh, rồi mới vào Sài Gòn  theo bố mẹ. Chúng tôi lớn lên ở Sài Gòn và có nhiều người thân, hàng xóm, bạn bè, mà đa phần cũng di chuyển từ đâu đó đến, từ đời ông bà hay bố mẹ. Sài Gòn dung nạp người tứ xứ chúng tôi như vậy đó.

Tới lượt mình, những người tứ xứ đến Sài Gòn, hấp thu sự khác biệt nơi này để hòa nhập. Tôi còn nhớ cô hàng xóm từ miền Bắc vào càu nhàu : “bánh thì gọi là bánh Da Lợn, da lợn thì gọi là da heo!”. Hoặc cô bạn tôi, cười nắc nẻ kể lại cho tôi câu chuyện tìm đường: “trời ơi, rẽ phải người ta nói là quẹo mặt!”. Ấy nhưng chỉ một thời gian sau, “da heo” hay “quẹo mặt”, nếu xuất hiện trong câu chuyện của họ, xuất hiện rất tự nhiên.

Một lần đi nhổ hành

Sài Gòn đồng hóa họ lúc nào, chính bản thân họ cũng không rõ, bởi đâu cần phải cố gắng gì. Chỉ đơn giản đến sống và làm việc. Chỉ đơn giản chấp nhận những tiếng dạ thưa, những danh xưng anh Hai, cô Ba, má Sáu v.v để trở nên gần gũi. Chỉ đơn giản mỗi người một việc, nhỏ có, lớn có, từ thùng nước, tủ bánh mì miễn phí, tủ quần áo “ai cần thì lấy, ai có thì cho”, những suất cơm cho người vô gia cư, đến những quán cơm xã hội, cây gạo ATM, v.v.

Gửi suất cơm cho người vô gia cư.

Sài Gòn vậy đó, luôn sáng tạo trong việc cho và nhận. Không bó gọn ở riêng nơi này, người dân Sài Gòn luôn cùng cả nước “Thương về miền Trung”, “Chung tay vì người nghèo”, chống covid-19, góp tiền mua vắc xin, v.v.  Cũng không phải mới mẻ, những địa danh “ngã tư Bảy Hiền”, “cầu Thị Nghè”, “ngã ba ông Tạ”, v.v., gắn liền với câu chuyện về những người Sài Gòn tử tế từ xưa, là những minh chứng hùng hồn về tình người nơi đất này.

Làm sao để giao dịch online an toàn

2. Đi và trở về.

Từ Sài Gòn, khoảng những năm 90, một số bạn tôi đi xuất cảnh. Có một số bạn thất lạc, nhưng may mắn vẫn còn giữ được liên lạc với nhiều người. Đến những năm sau đó, một số bạn có học bổng đi học ở xa, Nhật, Úc, Anh, v.v. Tôi thì ra Hà Nội. Dù ở các địa điểm, múi giờ khác nhau, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên.

Sau 3 học kỳ học ở Hà Nội, tới lượt tôi qua Canada thực tập. Ngày đó, tôi có 500 đô la chuẩn bị cho chuyến đi, nghĩ cũng hòm hòm đủ. Qua đến nơi, sau khi hoàn tất thủ tục, sẽ nhận được học bổng, đủ để chi tiêu, không phải lo lắng gì. Tuy nhiên, V., người bạn bên Mỹ, gửi tặng tôi một khoản tiền. Tôi chần chừ không muốn nhận vì thấy mình cũng không thiếu. V. nói V. đã đi làm, có dư tiền rồi, V. giúp đỡ tôi một chút, sau này tôi đi làm, có dư tiền thì lại lan tỏa đến những người khác, như vậy tốt hơn. Nghĩ cũng hợp lý, nên tôi nhận.

Không ngờ, số tiền đó cần thiết cho tôi. Tôi tiêu hết tiền mang theo, chỉ còn ít xu lẻ, mà học bổng hai tháng bị trục trặc chưa sử dụng được. Tôi lại cần mua thuốc. Hôm đó, tôi ghé vào một tiệm thuốc tây, tìm được một vỉ thuốc, vừa đúng số tiền xu còn lại. Tôi quên mất là giá ghi ở quầy chưa bao gồm tiền thuế 15% ở xứ này. Thế nên, ở quầy thu ngân, tôi không có đủ tiền để thanh toán. Tính trả lại, thì anh bán hàng nói với tôi bằng giọng miền Nam, hỏi thăm tôi và bảo cứ lấy thuốc đi, anh sẽ bù chỗ thuế tôi không có đủ cho! Cử chỉ đó làm tôi thấy rất ấm áp. Khoản tiền nhỏ lúc đó lại cực kỳ cần cho tôi.

Vào đầu những năm 2000, điều kiện xin nhập tịch vào Canada rất dễ. Các bạn của tôi, rất nhiều người xin ở lại. Ngày đó, tôi cũng có lăn tăn cái được cái mất giữa ở lại và quay về, nhưng sau cùng, tôi vẫn muốn quay về. Chọn lựa đó, lúc đầu khá chông chênh. Nhưng tận một năm sau, khi cuộc sống ở Sài Gòn dần vào guồng quay và ổn định, tôi mới dám chắc là mình đã chọn lựa phù hợp cho chính mình. Và ngoài kia, tôi biết, có rất nhiều anh chị em, cô chú, đã ra đi khắp nơi trên thế giới, đã thành danh, cũng chọn quay về.

Mà dù cho quay về hay không, cũng đâu có gì quan trọng. Bất chấp dịch covid-19, lượng kiều hối về Sài Gòn vẫn cao kỷ lục đó thôi. Những con người nơi đây, dù ở tại chỗ hay đi muôn phương, vẫn gìn giữ tình người, vẫn bằng cách này hay cách khác, góp phần nhỏ của mình cho gia đình, bạn bè, và cho cái tên thân thương “Sài Gòn”.

Nhím tiểu thư.

 Hương vị Sài Gòn

Hương vị Sài Gòn

Trước khi biết đến cái tên “Sài Gòn”, tôi chỉ biết đến cái tên “miền Nam”. Bởi mỗi lần bố tôi từ miền Nam ra, các cô chú trong đó gửi cho rất nhiều đồ ăn và quần áo. Tôi vẫn nhớ mùi thơm ngọt ngào của kẹo dừa, bánh tráng sữa và sự ấm áp của một cái áo bằng dạ. Mùa đông mặc thì ấm không chê vào đâu được. Ở khu mỏ Quảng Ninh, cả xóm không ai có được cái thứ hai giống như thế.




Năm 1982, tôi gần sáu tuổi, bố tôi được chuyển công tác về Sài Gòn. Lúc đó đang là giữa năm học của anh chị tôi, lại chưa được cơ quan sắp xếp chỗ ở dài lâu, nên bố mang tôi vào trước, khi nào hết năm học thì đón anh chị cùng mẹ tôi vào sau.

Mới vô, tôi được chú Thế đến đón lên ở cùng với bố vài ngày. Sau vài câu hỏi thăm, chú ghé mua ngay cho tôi một ổ bánh mì Như Lan. Vì theo chú, ở Sài Gòn là phải biết và phải thưởng thức món này. Hương vị của bơ, pa tê, chả lụa, đồ chua, hành ngò, hòa quyện làm nên hương vị thơm ngon của ổ bánh mì, tận mấy chục năm sau tôi vẫn còn hình dung ra được.

Một buổi sáng khi được bố chở đi bằng xe đạp, tôi cho chân vào căm lúc nào không biết! Chân tôi sây sát nhiều. Trong khi bố tôi lúng túng, tôi nước mắt ngắn dài vì đau, thì bà con chung quanh chạy đi mua bông băng, thuốc đỏ về sát trùng băng bó cho tôi, miệng luôn xuýt xoa “tội nghiệp quá, chắc con nhỏ phải đau lắm”. Mùi hăng hắc của thuốc đỏ bốc lên, tiếng xôn xao cùng ánh mắt lo lắng của bà con làm tôi quên đau, nín khóc lúc nào không hay. Lần đầu tiên tôi thấy và biết mùi thuốc đỏ trong hoàn cảnh như vậy đấy.

Nắng qua hiên nhà - kỷ niệm về bố

Bố tôi công tác ở Thủ Đức, cách Sài Gòn 20 cây số. Vì điều kiện sinh hoạt ở đó không phù hợp, tôi được gửi ở gia đình cô Thìn, chú Hữu, bạn thân của bố. Cô chú nhận nuôi tôi và không nhận tiền nong gì cả. Ở nhà cô chú, tôi lần đầu được thưởng thức các món của người miền Nam, khổ qua dồn thịt, ba chỉ xào mắm ruốc, canh chua cá lóc, v.v. Hương vị của các món ăn đặc trưng này trở nên thân quen và ưa thích với tôi qua từng ngày, dù ban đầu có đắng và hôi.

Canh chua cá lóc

Một hôm mải chơi, tôi theo trẻ con trong xóm đi xa tít. Hôm đó, tôi mặc cái áo bà ba mới tinh được cô chú cho. Tôi rất hãnh diện vì cái áo đẹp và lạ trong mùi vải mới thơm tho. Nhưng khi chơi rượt bắt, tà áo bay phất phơ, trẻ con cùng xóm mỗi đứa túm kéo một cái thì áo rách lên tới nách. Mãi trưa không thấy tôi về, cả nhà cô chú tỏa ra đi tìm và vô cùng lo lắng. Lần mò mãi thì cũng tìm ra tôi. Lần đó tôi bị quỳ gối và mắng rất nhiều. Ngày đó, tôi không hiểu được đi lạc hay bị bắt cóc là như thế nào. Mãi sau này hiểu ra thì mới thấy bị phạt như thế là quá nhẹ.

Toàn cảnh một vụ trộm hết tiền trong tài khoản ngân hàng

Tôi còn bị mắng mỏ thêm một lần nữa. Chẳng là tôi có hẳn một bao tải đồ chơi, do cô Dung, đồng nghiệp của bố tôi cho, vì con cô ấy đã lớn. Bao tải đồ chơi ngày đó rất đáng giá, mà tôi nào có biết. Nên khi hai anh em trẻ con cùng xóm “dụ dỗ” tôi đổi đồ chơi lấy mận ăn là tôi đổi luôn! Trái mận ngày đó màu trắng phớt xanh, hương vị ngọt dịu và thơm mát làm tôi mê đắm. Mãi thì bao tải đồ chơi chỉ còn rất ít và mọi người cũng phát hiện ra. Toàn bộ đồ chơi được hai anh em đem qua trả cho tôi dù khóc sướt mướt. Người lớn thì cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng quay sang bọn chúng tôi mắng vì “thương vụ” này.

Sau tám tháng ở nhà cô chú thì cả nhà tôi đoàn tụ. Dù sống xa gia đình, khoảng thời gian này của tôi vẫn luôn vui vẻ, đầm ấm. Cả nhà vô cùng nhạc nhiên vì lúc này tôi đã nói giọng miền Nam, lại còn có thể ăn được cả ớt, khổ qua, mắm ruốc. Bởi ớt đâu có cay xè trong ổ bánh mì thịt, khổ qua đâu có đắng khi dồn thịt hầm, và mắm ruốc thì đâu có hôi khi xào cùng thịt ba chỉ. Tôi đã hòa nhập và trở thành người Sài Gòn nhanh như vậy đó.

Hồi tưởng lại, Sài Gòn đến với tôi đầy ắp hương vị, mà ẩn sâu trong đó là biết bao nghĩa tình, tình bạn bè, chòm xóm, đồng nghiệp và cả tình của những người xa lạ. Đến hôm nay, Sài Gòn vẫn không thay đổi, vẫn bình dị như những món ăn hàng ngày, nhưng lại rất cần thiết, hễ đi xa thì lại rất nhớ.

Sài Gòn đón nhận người tứ xứ như gia đình tôi vào lòng, mỗi người một hương vị khác nhau, dung hòa tất cả sự khác biệt. Không có ghét thương hay ưu ái một hương vị nào. Mỗi hương vị vẫn nhè nhẹ tỏa hương của riêng mình và hòa quyện cùng nhau, tổng hợp thành một hương vị mới, hương vị Sài Gòn.

Nhím tiểu thư.

6 thg 7, 2021

Tình chị mà duyên em

Tình chị mà duyên em

Chị và anh học cùng lớp cấp 3. Chị dễ thương, xinh xắn, nấu ăn rất ngon. Anh đẹp trai, hát hay đàn giỏi. Họ là một đôi rất đẹp. Ra trường, không ai đậu đại học. Ngày đó thi đại học còn rất khó khăn.

Để tránh phải đi bộ đội, đi chiến trường Campuchia khốc liệt, gia đình anh chạy cho anh một suất đi xuất khẩu ở Tiệp Khắc. Chị thì an phận ở nhà buôn bán. Ngày chia tay sướt mướt, thề non hẹn bể.

Sau 2 năm nơi xứ người, anh viết thư nói chị hãy quên anh đi, xem anh như người bạn. Có người bạn chung bên đó cũng kể rằng anh có người khác rồi. Cũng đành thôi, vì xa mặt cách lòng, mà cuộc sống xứ người gian khổ. Tình đầu trong sáng ngây thơ, chưa đủ gắn bó giúp anh vượt qua cô đơn nơi xứ người. Hẳn là anh tìm thấy người phù hợp hơn nơi đó.

Chị buồn rầu, sau một thời gian thì cũng chấp nhận sự theo đuổi của một người khác, nên vợ nên chồng. Việc buôn bán ngày một phát đạt, con cái đề huề, gia đình hạnh phúc.

Sau gần 30 năm, anh vẫn tay trắng lặn ngụp xứ người. Lần đầu về Việt Nam, không hiểu sao, anh lại gặp và cặp bồ với em ruột của chị! Cô em li dị chồng và làm ăn thất bát mà chị phải cưu mang nhiều lần. Họ đi chơi với nhau và đem về cho chị một cục nợ, mà chị phải thanh toán.

Thôi thì tiền bạc không nói làm gì, nhưng chị cảm thấy có chút đau lòng. Sao không phải là người khác, mà lại là em ruột của mình? Sĩ diện của anh ở đâu, mà anh để cho chị thanh toán cục nợ kia! Rồi thì họ tha nhau qua xứ người, cũng là khuất mắt.

Chắc hẳn ai rơi vào cảnh này mới hiểu được nỗi lòng của chị. Qua cơn bão lòng, thôi thì chị cũng mong họ hạnh phúc.

 

Nhím tiểu thư.

Cái gì của mình là của mình

Cái gì của mình là của mình

Họ là nhóm 7 người, 6 nam, 1 nữ, cùng xóm, cùng trường. Chơi với nhau thân thiết từ cấp 1, đi đâu cũng có nhau. Rồi một dạo, bỗng dưng họ để ý thấy, người này đi chơi thì người kia không đi. Họ bèn họp lại, đá nàng ra khỏi nhóm, ai đến với nàng thì nàng chọn, để lại mấy đực rựa đi chơi với nhau như trước.

Mọi chuyện ổn thỏa. Nàng đến với một anh. Anh thì công tử nhà giàu. Nhà nàng thì lúc đó mới nổi, so với nhà anh chưa là gì. Nàng được giáo dục theo kiểu cũ, khắt khe. Họ quen nhau một thời gian, không hiểu sao anh ngãng dần ra. Nàng buồn lắm. Những lúc gặp gỡ bạn bè chung vẫn tâm sự “không hiểu sao lại như thế!”.


Anh tránh mặt nàng, bị nhóm bạn bè chê trách. Vì cùng xóm cùng chơi từ bé, sao lại như thế, dù gì thì cũng phải là bạn nhau chứ. Thế nên, hôm đó, sinh nhật anh, anh giới thiệu người yêu, anh cũng mời nàng. Trong tiệc, bạn của nàng còn thấy đau lòng, huống gì là nàng. Nhưng mọi người đều cười và chúc phúc cho họ.

Rủi thay, mới tốt nghiệp đại học, công việc chưa đâu vào đâu, gia đình cô người yêu bắt anh chọn : hoặc là cưới liền, hoặc là cô ấy đi lấy Việt Kiều. Mới 22 tuổi, gia đình anh không đồng ý, anh cũng chưa sẵn sàng. Thế là cô ấy lên xe hoa với Việt Kiều. Anh sầu muộn một thời gian.

Rồi không rõ anh làm thế nào, mà họ quay lại bên nhau. Hạnh phúc lắm. Ấy nhưng mà lần này, gia đình nàng kiên quyết không đồng ý cho nàng yêu anh. Sợ anh công tử, sẽ làm nàng khổ, cũng bắt nàng đi lấy Việt Kiều. Họ chia rẽ hai bạn trẻ, bắt nàng đi gặp gỡ, làm quen anh Việt Kiều. Anh sầu muộn tập hai.

Nhưng nàng có cách của nàng. Vì nàng yêu anh, nên nàng làm cho anh Việt Kiều chán nàng mà bỏ qua. Rồi nàng bị cấm ra khỏi nhà gặp anh, rồi ba nàng ốm nặng ép nàng bỏ anh. Nàng vẫn vượt qua.

Sau nhiều năm ngăn cấm bằng đủ mọi cách không được, cuối cùng thì anh và nàng được lấy nhau. Đám cưới diễn ra vui vẻ.

Sau hai mươi năm, họ vẫn bền chặt đi bên nhau, có 3 mặt con. Trái ngược với suy nghĩ của mọi người rằng anh công tử có thể làm nàng khổ, anh chăm con rất giỏi, lại yêu chiều vợ. Hai vợ chồng làm ăn khấm khá lắm.


Có lần, thằng bạn tính qua rủ anh đi uống cà phê, mới đến trước cửa, nghe nàng quát anh chăm con gì đó, hết hồn, né đi luôn. Gặp nàng, hỏi có chuyện đó không, nàng cười nói lâu lâu cũng lên cơn xíu thôi.

Mong hạnh phúc của họ tiếp tục bền lâu. Nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc, vì đã dám sống cho tình yêu và chọn lựa của mình. Mong các bậc cha mẹ không nên suy diễn cấm đoán làm khổ con mình.

Cũng may mà nàng kiên định.

Nhím tiểu thư.

26 thg 5, 2021

Cuộc đời vị cách cách cuối cùng của Trung Quốc

Cuộc đời vị cách cách cuối cùng của Trung Quốc

  •  


(Nhimblog) Bà là cháu gái của Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi.

Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng bà Kim Mặc Ngọc vẫn giữ được thói quen sinh hoạt của thời thanh niên: 6 - 7 giờ sáng mới đi ngủ, 2 - 3 giờ chiều mới dậy. “Đánh tenis, đánh bóng chuyền, thi chơi golf đều vào buổi đêm” – bà cười nói vô tư như một đứa trẻ.

Cha của Kim Mặc Ngọc là Ái Tân Giác La Thiện Kỳ – Túc thân vương đời thứ 10, một trong Bát đại thân vương truyền đời của triều Thanh. Túc thân vương có một chính phi, 4 thứ phi, ông có 38 người con, 21 trai và 17 gái. Thứ phi thứ 4 nhỏ tuổi nhất sinh được 3 cô con gái, Kim Mặc Ngọc là con gái út, có tên Mãn Thanh là Ái Tân Giác La Hiển Kỳ.

Kim Mặc Ngọc không kịp được hưởng thời kỳ thịnh vượng của Túc vương phủ. Thời đó ở Bắc Kinh có lưu truyền câu ca rằng: “Nhà của Cung vương phủ, tường của Dự vương phủ, bạc của Túc vương phủ phải đong bằng đấu”. Năm 1918 khi Kim Mặc Ngọc ra đời, cha bà đã bị đi lưu vong ở vùng Đông Bắc 6 năm. Tuy là lưu vong, nhưng cuộc sống của vương thất vẫn rất quy củ trong suốt một thời gian dài, nhất là đối với các cô con gái. Trong các bữa tiệc, Kim Mặc Ngọc và các cô chị thậm chí còn không được gắp các món ăn bày ở xa, hành động được cho là thiếu mỹ quan đó thường giao cho các bà vú, các bà vú gắp chút thức ăn vào một chiếc đĩa nhỏ và đưa cho họ. Trong các bữa tiệc ấy, các vị cách cách luôn ăn không được no, nhưng cũng không dám để lộ ra, mà phải chịu đựng cho đến khi về nhà, các bà vú lại phải làm cho các món ăn khác.

Đối với các loại quy định trong vương phủ, các anh chị em của Kim Mặc Ngọc đều phải chấp hành vô điều kiện, nhưng cô bé được các anh chị đặt cho biệt danh là “ngang bướng” Kim Mặc Ngọc lại muốn có nhiều đặc quyền hơn, ví như dứt khoát không chịu để bà vú đi theo “quản lý” mỗi khi ra ngoài như các chị.

Năm 19 tuổi, Kim Mặc Ngọc đã từng có một kế hoạch cho tương lai của riêng mình, là mơ ước được trở thành một nữ ký giả hoặc một ca sĩ, mơ ước này đã một phen làm cho các bậc trưởng lão trong vương phủ phát hoảng. Nhưng vị cách cách thứ 17 này cũng cố chấp giống hệt cha. Năm 1937, khi xảy ra Đại chiến thế giới lần thứ hai, Kim Mặc Ngọc phải bỏ học ở Nhật Bản để quay về Bắc Kinh. Bà đã giấu gia đình đi xin việc làm cố vấn cho một công ty Nhật Bản, lương cao và…không cần thường xuyên có mặt ở công ty. Cô gái Kim Mặc Ngọc vốn được chiều chuộng từ nhỏ nên rất hào phóng trong việc chi tiêu. Tháng nào cô cũng lĩnh lương trước để mua đồ mời các đồng nghiệp nên cuối tháng toàn phải bù tiền trả công ty. Lúc đó, Kim Mặc Ngọc không thể hình dung ra được sẽ có ngày cô phải đan áo len để nuôi cả gia đình 9 người; sẽ có ngày cô chỉ nhận được 19 đồng 5 hào mỗi tháng, đến nỗi ăn một bát mỳ cũng phải đắn đo.

Năm 1949, quân giải phóng tiến vào thành phố, thập thò sau bức tường Tứ hợp viện ngắm nhìn các chiến sĩ quân giải phóng oai vệ trong bộ quân phục, Kim Mặc Ngọc ao ước mình được trở thành phần tử trí thức của đường phố, cầm trên tay chiếc bình thuỷ tinh và đôi đũa, đi đến từng nhà, lật từng viên  ngói để bắt từng con côn trùng.

Các anh của cô đã rời khỏi Bắc Kinh từ lâu, cha cô gửi các anh đi học các trường quân sự tốt nhất ở nước ngoài. Trong mắt cô, phần lớn các anh chỉ học được những điều tồi tệ ở trường quân sự, có vài ông anh lại còn hút cả thuốc phiện. Sản nghiệp của Túc thân vương mất trắng trong tay mấy ông anh này. Nhà cửa dần dần bị bán hết, mấy ông anh giao việc bán nhà cho ông bố nuôi Kawasima Rousoku người Nhật và một nửa gia sản của Túc thân vương rơi vào túi ông bố nuôi này. Năm 1949, các anh cô đi HongKong, gia tài để lại cho Kim Mặc Ngọc là 100 tệ. 100 tệ này phải nuôi chín miệng ăn: bốn đứa con của anh cả, hai đứa con của anh hai, hai mẹ con bà vú nuôi của anh cả, còn cô thì chưa lập gia đình và chưa hề có chút kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống nào.

Kim Mặc Ngọc bắt đầu bán dần đồ đạc trong nhà: dương cầm, thảm, sofa, áo da, do không biết giá thị trường, nên cả đống áo da đắt tiền cô chưa từng động tay đến được bán đi cả mớ với giá rẻ mạt. Kim Mặc Ngọc đan áo len để bán. Ba ngày đan xong một chiếc áo cũng vẫn không đủ tiền rau cho cả nhà. Cô lại mở cửa hàng giặt đồ, mua hẳn loại xà-phòng tốt, cuối tháng cộng sổ, tiền xà-phòng còn nhiều hơn cả tiền công giặt. Ngày nào ra ngõ cô cũng bị các bà bán hàng tạp hoá với theo đòi tiền.

Cuộc sống đó kéo dài đến tận năm 1952, các anh cô ở Nhật gửi về cho bảy cô cháu một khoản tiền. Cô mở một cửa hàng ăn Âu ngay tại sân nhà, nhưng kết quả là chả có ai bước chân vào. Cô không nản chí mà quay ra mở quán ăn Tứ Xuyên. Lúc đó ở Bắc Kinh có 400 nghìn người Tứ Xuyên, nên quán ăn này đã nhanh chóng phất lên. Tuy chưa kiếm được nhiều tiền nhưng cũng không còn phải lo đến cái ăn cái mặc nữa. Hai năm sau, nhà hàng bị công tư hợp doanh, cô trở thành một viên chức của Cục biên dịch trung ương, lương mỗi tháng 60 tệ, Kim Mặc Ngọc trở về nhà lòng vui như mở cờ.

Năm 1954, Kim Mặc Ngọc 36 tuổi mới kết hôn. Mượn được chiếc xường sám, cầm trên tay tấm thiếp mời do chính phu quân Mã Vạn Lý viết bằng bút lông, cô thầm nghĩ giá như ngày trước, chắc cô cũng sẽ giống như các bà chị được gả cho vị vương gia Mông Cổ nào đó rồi. Các cô cách cách là những công cụ quan trọng của mối liên kết Mãn-Mông. Nhưng cô từ nhỏ đã khác các chị, khi ở Bắc Kinh, cô cũng đã từ chối không ít lời cầu thân để tự do đi theo con đường mình đã chọn.

Chồng cô - Mã Vạn Lý là một hoạ sĩ hoa điểu nổi tiếng, ông đã từng có hai đời vợ. Người vợ đầu đã mất do khó sinh, người vợ thứ hai cũng đã ly hôn do không hợp. Khi gặp Kim Mặc Ngọc, Mã Vạn Lý vẫn đang ở nhà con gái. Nhà con gái ông rất chật, đến chỗ ngủ cũng không có chứ chưa nói đến chỗ để vẽ nên ông đã từng có ý định tự tử. Kim Mặc Ngọc xuất hiện đã giúp ông có được một nơi để vẽ tranh và có một gia đình. Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì bão táp đã ập đến.

Tháng 2 năm 1958, còn 5 ngày nữa thì đến Tết, Kim Mặc Ngọc đột nhiên bị bắt đi, bắt đầu cuộc sống tù ngục 15 năm. Tội danh duy nhất với cô là: con gái của Túc thân vương và em gái của đặc vụ Yoshiko Kawashima. Ở thời đại đó, chỉ cần thế cũng đã đủ làm cô mất mạng. Để không phiền hà đến chồng, Kim Mặc Ngọc đã viết đơn xin ly hôn từ trong tù, cô quyết định tự mình chịu đựng thời gian ngục tù. Năm 1973, hết hạn tù, Kim Mặc Ngọc được đưa đến làm công nhân của một nông trường chè ở Thiên Tân.   

Ở nông trường chè, đôi tay Kim Mặc Ngọc luôn chảy máu vì phải cuốc những lớp đất đông cứng để trồng táo bằng chiếc cuốc sắt cao hơn thân mình, nhưng bà không hề kêu ca một tiếng nào: “Tôi biết mình không như những người khác, người khác chỉ là mâu thuẫn nội bộ dân tộc, còn tôi lại là một tiểu thư của giai cấp quý tộc phong kiến, là em của một Hán gian”. Trong thời gian đó, một người Thượng Hải nói tiếng phương Bắc bước vào cuộc đời bà. Ông đặt vào đôi tay đẫm máu của bà một chiếc cuốc sắt nhỏ do ông tự làm và cuốn “Nhân dân Trung Quốc” bằng tiếng Nhật. Bà đã nhanh chóng nhận lời cầu hôn của ông, vì bà mong được nông trường phân cho một căn buồng của riêng mình. Khi được phóng viên hỏi rằng: “Bà có hối hận khi trước đây không ra đi cùng các anh hay không? Bà đã trả lời rằng cuộc đời bà có hai việc làm đúng đắn nhất: thứ nhất là không đi HongKong, thứ hai là trong thời gian ở tù đã không làm hại đến một người tốt nào. “Khi còn học ở Nhật, vị gia sư đã dạy tôi rằng cao thượng không phải là mình không cười khi người khác cười, đó là một thứ phẩm đức. Người cao thượng mỗi năm phải dành ra một ngày đóng cửa lại để suy nghĩ, suy nghĩ xem mình có làm điều gì có lỗi với người khác hay không. Nếu thấy đúng thì hãy kiên trì thực hiện, không cần biết người khác nghĩ như thế nào”.

Năm 1976, khi cùng chồng về Thượng Hải thăm gia đình, bà bị ốm, chụp X quang cho thấy cả chín đốt sống của bà đều bị hỏng, trong bệnh án ghi là “gai cột sống, viêm tuỷ sống, tổn thương cơ”. Nông trường cho bà nghỉ bệnh, lương mỗi tháng chỉ còn 19 tệ 2 hào. Số tiền này không đủ để hút thuốc, chưa nói đến tiền gửi biếu mẹ chồng. Hút thuốc là thói quen của bà từ khi bị ở tù.

Theo tính cách của bà thì có chết cũng không cầu xin ai, không muốn làm phiền đến ai. Trong tù, lưng đau đến mức không kéo nổi chăn, mà phải kéo bằng chân; không có lược chải đầu mà phải chải tóc từng ít một bằng chiếc bàn chải đánh răng; quần áo rách rưới không có đồ thay, mà phải vá lên đó những bông hoa nhỏ bằng vải vụn;  bà vẫn cắn răng chịu đựng vì theo bà cho dù thế nào, bề ngoài cũng phải luôn gọn gàng.

Cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, đã từng có một người cháu ở Mỹ mời bà sang đó sinh sống, nhưng bà đã từ chối vì không muốn làm phiền các cháu.

Năm 1979, lần đầu tiên trong đời Kim Mặc Ngọc nghĩ tới việc cầu cứu người khác, lần đầu tiên trong đời và viết thư cầu cứu tới một người, người đó chính là Đặng Tiểu Bình. Trong thư bà không hề xin được trả lại thân phận, mà chỉ xin một công việc. Bà còn nhớ trong thư có đoạn: “Tôi hiện nay đã mất sức lao động, nhưng vẫn còn có thể lao động trí óc, xin hãy cho tôi một công việc”. Thư được trả lời rất nhanh. Sau 40 năm rời xa Bắc Kinh, Kim Mặc Ngọc cuối cùng cũng đã được trở thành một phần tử phổ thông nhất trong những người dân sống ở Bắc Kinh.

Bà Kim Mặc Ngọc từ lâu vẫn muốn mở một trường học. Đầu năm 1992, bà cùng chồng đem toàn bộ số tiền gom góp của mình để mua bàn ghế, sách vở để mở “Lớp học tiếng Nhật nhi đồng Ái tâm”. Từ “Ái tâm” là từ có âm đọc gần giống như từ “Ái Tân”, việc này vừa thể hiện rằng bà vẫn là một thành viên của dòng họ Ái Tân Giác La, vừa biểu hiện tấm lòng dành cho việc đào tạo tiếng Nhật cho trẻ em của bà những năm cuối đời. Để từ “Lớp” có thể chuyển thành “Trường”, từ năm 1993, bà Kim Mặc Ngọc đã đi lại liên tục giữa Nhật Bản và Bắc Kinh, kêu gọi các đồng nghiệp, bạn bè, người thân ủng hộ và giúp đỡ để có kinh phí thành lập trường.

Tháng 5 năm 1996, Trường đào tạo tiếng Nhật Ái Tâm đã chính thức được treo biển ở khu phát triển thành phố Lang Phường tỉnh Hà Bắc. Theo nhận xét của các cơ quan hữu quan, ngôi trường này lúc đó là trường chuyên tiếng Nhật dân lập có đầy đủ điều kiện hệ thống và thiết bị nhất trong nước.

Những năm cuối thập kỷ 90, trên cơ sở của ngôi trường này, khu Đại học phương Đông Lang Phường đã được xây dựng. Và bà cũng đã mua được một căn hộ ở đó bằng chính những đồng tiền tự mình kiếm được. Người dân ở đó ai cũng biết đến bà lão đầy bản lĩnh này. Nhưng với bà, bà lại cho rằng mình cũng giống như những người bình thường khác mà thôi: “ Có lúc nghĩ, cuộc đời của tôi cũng có làm được việc gì đâu?. Bà thở dài và lại ngắm bức ảnh trên tay. Trong ảnh là cô gái 14 tuổi mặc chiếc váy trắng, mỉm cười nghịch ngợm như một cậu con trai. “Lúc đó, tôi nghịch lắm” – Bà nói và mỉm cười, nụ cười giống hệt như bức ảnh năm nào.

Tạp chí Truyền hình số 23/572 (2008)


15 thg 4, 2021

Mùa hè Montreal

Mùa hè Montreal


Ở Montreal, trải qua 5 tháng thu đông lạnh lẽo, cây cối rụng sạch trụi trơ cành, đến mùa xuân là mọi loài cây sinh sôi nảy nở với sức mạnh thực sự kinh ngạc. 

Cả thành phố như bỗng cựa mình trở nên sinh động như chưa từng ngủ yên, với đủ sắc màu của hoa lá cây cối, cùng đủ mùi hương. 


Chỉ là lá của cây phong thôi, mà cả con đường thơm ngát một mùi dịu nhẹ, cả bầu trời được tô điểm bằng búp non xanh biếc. Khi mình sung sướng hít thật sâu cái mùi hương thanh thoát nhẹ nhàng tự nhiên đó, thì người bạn đi bên cạnh dặn hít vừa thôi, kẻo sau này bị dị ứng phấn hoa. Ừ, cái này lạ ghê, ai ở càng lâu thì bị dị ứng phấn hoa càng nặng.


Từ xuân sang hè, mọi người đua nhau trồng cây trồng hoa, treo hoa trước nhà. Thời đó, mình cũng bỏ tiền ra mua Fuschia, thủy tiên về trồng. Rồi còn trồng hoa mười giờ, cà chua và gieo cả một cây chanh. 

Fuschia của Nhím
Thủy tiên của Nhím

Cây chanh lên hơn một chục cái lá, mỗi lần ăn thịt gà là mình lại lấy một cái, vừa tươi, vừa thơm, lại đỡ tốn tiền mua lá chanh nữa chứ. Lá chanh ngoài chợ bán một hộp cũng chỉ 1 đồng thôi, nhưng ăn không cách gì hết, bỏ ngăn đá thì cũng không còn thơm như tươi nữa. 

Hết hè, phải mang cây vào nhà chăm sóc cẩn thận, mà chúng nó vẫn cứ còi đi.



Cây hoa cứ còi đi khi vào thu, dù được chăm bẵm

Trồng cây nó có cái thú vui chờ đơm hoa kết trái. Mình còn nhớ cây cà chua của mình, hạt giống là được Maili cho. Mình gieo xuống, chờ nó nảy thành cây con. Cái này thì rất dễ, xứ này đất tốt, sức sống bị giam hãm cả 5 tháng thu đông, nên mọi thứ gieo xuống đều lên rất tốt. Phải cái, chỗ vườn nhà mình bị cây lá phong cao to che hết cả, nên cây cà chua của mình èo uột, tưởng không đậu trái được. 

Cây cà chua èo uột đậu được một quả của mình

Mãi cũng có được một quả, mình mừng hết lớn, chăm bẵm em nó kỹ lắm, chụp cả hình ẻo lả phải dựa hàng rào của nó nữa (chụp hẳn bàng máy phim nhé, quý lắm đó!). 

Chả bù cho cây của Maili, nó ra trĩu trịt quả, quả nào quả nấy to bằng cái bát, đứng không vững, phải chống đỡ cho nó chứ. Ah, mà rõ là trong cả hai thái cực thì đều không tự đứng được nhỉ, hihi…

Nói về vườn cây của Maili thì mình cũng tham gia trồng những cây tùng. Năm đó, họ mua cây con cao khoảng 2 tấc về, nói với mình là trồng bây giờ, chờ vài năm là nó cao to hơn đầu người. Mình cũng hứng thú lắm và tham gia đào xới trồng xuống cùng họ. 

Sát hàng rào là hàng tùng nhà Maili mình tham gia trồng

Nhưng mà, khi cây mới cao chừng một mét là họ đã chia tay. Cái nhà đó mình vẫn còn chìa khóa, nhưng chắc không còn vào được nữa. Chủ nhà mới không biết có thay hàng tùng bằng cây khác không nữa chứ.

Từ ga xe điện ngầm, đi bộ về nhà Maili mất khoảng 15 phút. Mình thường thơ thẩn ngắm các loại hoa ở các nhà. Thời đó vẫn còn chụp hình bằng máy phim, nếu không, hẳn là nhiều hình lắm. Khi chuyển sang máy ảnh số, thì cái gì cũng quen thuộc, chẳng buồn giơ máy lên chụp. Nhưng giờ nghĩ lại, đều thấy nhớ.

Tulip thì mùa đông tàn lụi, hè trồi lên nhìn thật hay. Dàn hoa tulip nhà Maili màu tím lịm, mãi lên cao nở hoa thì mình mới thấy. Tulip ở Montreal cũng nhiều lắm. Cả hoa anh đào nữa, bung nở rực rỡ cả một con phố.

Mùa hè ở Montreal nắng nóng cũng không thua gì Sài Gòn. Ở khu nhà Maili, các gia đình phơi quần áo ở sân nhà sau, chẳng khác gì ở Việt Nam. Mùa hè cũng hay có những cơn mưa rào bất chợt, làm quần áo ướt hết, nhưng rồi cũng khô nhanh chóng, vì độ ẩm ở đây rất thấp. 

Thời tiết ấm áp nên các chị thoải mái mặc áo hai dây. Sinh viên mặc cả quần short vào lớp, và thầy giáo cũng vậy. Các thảm cỏ ở UdM thì xanh non mơn mởn. Buổi trưa các bạn tây hay mang cơm ra đây ngồi ăn và phơi nắng luôn thể. Thời đó mình không sợ nắng nhưng vụ phơi nắng vẫn thấy khá kỳ lạ. Mãi sau, khi ở lâu hơn thì mình cũng tranh thủ có nắng là ra phơi.

Sau này qua học trường khác thì chẳng có gì đẹp. Và mình cũng chẳng có tâm trạng nào với quang cảnh. Mùa hè năm đó mình đăng ký học 4 môn, mọi người bảo mình bị hâm, giờ mình cũng thấy vậy! Không chỉ hâm mà còn dại nữa. Mùa hè chỉ đăng ký học một môn là được, hai môn là nhiều, bốn môn thì…chỉ có đứa thất tình thôi.

Nói vậy để thấy rằng, mùa hè ở Montreal ngắn lắm, đẹp lắm, nhiều hoạt động lắm, phải tranh thủ tối đa. Nào là liên hoan phim, bắn pháo hoa mỗi tối thứ 7, đạp xe đạp vòng quanh hồ, etc. 

Liên hoa phim quốc tế

Nghĩ lại vụ đạp xe này vẫn thấy tiếc. Hồi đó chưa thích đạp xe đạp như bây giờ. Và vì mình nghĩ mình còn ở đây nhiều năm, năm nay không đạp xe thì năm sau tham gia. Cơ mà khi năm sau đến mình lại quyết định bỏ học và về nhà luôn! Cả mình cũng không ngờ mình sẽ có thể có một quyết định như thế.

Hồi 2013, có một dự án tuyển mình làm 2 năm bên Montreal. Mình suy nghĩ, thấy vẫn muốn trải qua 6 tháng ở Montreal, để trải nghiệm lại 4 mùa và tận hưởng một lần nữa những gì đã bỏ qua (dù mọi thứ không còn như trước nữa thì mình vẫn muốn thử). Nhưng 2 năm thì không muốn đi. 

Sau này các sếp cũng bất đồng về dự án, và sếp Ấn thấy mình cũng không tha thiết gì việc qua đó, nên đá mình ra khỏi dự án luôn. Cậu bạn Olivier trong dự án đó phê bình mình quá xá. Bảo rằng mình muốn đi 6 tháng thì cứ im đi, cứ vào dự án đi, vào xong gần 6 tháng xin ra thì ai làm gì được…Ờ, cơ mà mình không muốn thế.

Mình quyết định bỏ học, đi về, khi đang cuối tháng 5, bắt đầu hè. Ngày đó, mình giao lại đồ đạc và cây cối cho người bạn. Mình cứ nghĩ là mình nhớ cây chanh nhiều nhất. Bởi đó là thứ mình gieo từ hạt, ươm cho nảy mầm, chờ đợi từng cái lá.

Nhưng không phải vậy. Từng thứ từng thứ, bốn mùa đều có những nét rất riêng biệt, đều làm mình nhớ. Là nhớ thôi, trí nhớ thì rất đẹp và lung linh. Chứ mà trải qua đời sống thì nó lại nhạt toẹt đi ngay với những lo toan.

Lúc nào có dịp, hẳn là mình muốn sống lại ít nhất 6 tháng ở Montreal đó.

Nhím tiểu thư.

 

 









25 thg 3, 2021

Một chuyến đến giáo xứ Tịnh Sơn, Phú Yên.

Một chuyến đến giáo xứ Tịnh Sơn, Phú Yên.


Đợt này đang nhiều việc, nên khi được rủ đi làm từ thiện ở Phú Yên, mình rất ngần ngừ. Nhưng rồi được nài nỉ đi theo để có gì lái xe ô tô thì mình cảm thấy mình thật quan trọng, nên nhận lời đi.

Kế hoạch thay đổi từ thuê một tài xế thành mình lái xe từ Sài Gòn ra Phú Yên. Em họ mình nghe mình lái đường dài như vậy thì hết hồn. May quá là kế hoạch lại đổi lại là mua vé máy bay từ Sài gòn ra Tuy Hòa, rồi từ đó đi tiếp khoảng hơn 50km ra Tịnh Sơn. Gì chứ, mình cũng thở phào nhẹ nhõm. Mình không sợ lái xe, mà chỉ sợ công an!

Mọi thứ sắm sửa cho việc làm từ thiện đã giải quyết xong qua điện thoại. Ở Tịnh Sơn cũng đã thuê được xe. Giờ chót thì chỉ còn ba người lên đường, cũng không sao. Tại sân bay, có hơi vật vã điền hồ sơ khai báo y tế nhưng rồi cũng qua trót lọt, vừa vặn vào đến phòng chờ 5 phút, mình vừa kịp lấy nước uống xong thì xếp hàng vào máy bay luôn.

3h chiều đến sân bay Tuy Hòa, em Thái tài xế đã đến đón, chở 3 người mình đi vòng vòng tham quan thành phố rồi ghé vào một tiệm chay, để sư cô và chị bạn ăn trưa. Đây là tiệm chay do một sư thầy mở ra, không thu tiền người đi tu đến ăn. Tiền lời thu được, lại dùng để chia sẻ đến người nghèo. Tiệm bán đồ ăn ngon. Mình không ăn gì vì đã ăn bánh mỳ lúc trưa, nhưng mua một hộp bột gạo lức và mè đen, về ăn cũng ngon lắm (1).

Ăn xong thì chạy về Tịnh Sơn (2). Trên đường đi nói chuyện nhiều hơn mới biết, em Thái cũng là dân công nghệ thông tin, từng mở công ty làm web trong Sài Gòn, rồi giờ thì về quê, kiểu như anh Hải, chạy xe rong ruổi giúp mọi người và giúp sư thầy ở tiệm chạy. Mình ngồi im cảm khái…Không khai ra mình cùng nghề. Biết nói sao nhỉ, chỉ cần sống có ích và cảm thấy hạnh phúc là được.


Con đường từ Tuy Hòa về Tịnh Sơn, chạy dọc con Kênh Bắc đẹp lắm. Hẳn là mình đã nghe về con kênh này, nhưng giờ mới được nhìn thấy. Con kênh này được xây dựng từ thời Pháp, tưới tiêu cho nguyên một vùng. Kênh rộng chừng 6m, nước trong, một bên đường nhựa, một bên là các ngôi nhà nhỏ xinh xinh và cây cối, thỉnh thoảng có một cây cầu nhỏ nối từ đường nhựa vào phía nhà cửa. Đang là lúc chiều tà, có thể thấy nhiều trẻ con nô đùa trên dòng kênh. Mình thấy con kênh này xinh xắn không thua gì các con kênh ở Hàng Châu. Nếu thiết kế được một tour du lịch hằng thuyền dọc kênh thì hay biết mấy.

Phải 6h chiều mới đến nơi. Sơ Sang đón vào rồi mọi người tranh thủ đi thăm và tặng quà ba gia đình gần tu viện. Toàn là các hoàn cảnh già cả, neo đơn, bệnh tật. Thế mới thấy, sống thọ mà sống không khỏe thì…rất khổ. Đi xong 3 nhà thì chúng tôi về ăn tối. Có khách từ xa nên các sơ chuẩn bị các món ăn nhiều và trang trí cũng đẹp.



Kế hoạch ngày mai có vẻ phải dậy sớm vì các sơ thức sớm lắm, 5h các sơ đã hát Thánh lễ buổi sáng rồi. Mọi người bàn kỹ hơn kế hoạch ngày mai, lúc này mới hỏi là xe thuê là xe số hay xe tự động. Nếu xe số thì làm sao mình tự tin mà lái, hừ hừ…Nếu xe số mà mình không lái thì cuối cùng vai trò trong chuyến đi của mình là gì, hừ hừ…

Buổi tối, chúng tôi được bố trí ngủ ở gian phòng khách. Chỗ ở này của tu viện bên cạnh nhà thờ Tịnh Sơn. Các gian nhà lợp mái tôn, phòng tắm không có nước nóng. Cũng may trời không lạnh quá. Vậy khi trời lạnh các sơ phải làm sao (đã quên không hỏi). Dù đã đóng kín các cửa đề phòng gió buổi tối, tôi vẫn rất khó ngủ ban đêm vì lạnh đầu. Mãi sau trùm chăn kín cả đầu thì chắc cũng ngủ được một chút.

Buổi sáng, tôi đã tỉnh dậy từ trước khi tiếng ca trong Thánh lễ vang lên. Giọng các sơ thánh thót nghe hay lắm, êm đềm lắm. Dù bị đánh thức bởi âm thanh này, cũng không lấy gì làm khó chịu, lại vẫn có thể nướng tiếp một chút. Xa khỏi Sài Gòn, mọi sinh hoạt đảo lộn và có vẻ khác thường cũng tốt.

6h thì xe đến chờ hàng đến điểm phát quà trước. Các sơ chuẩn bị bắp và khoai luộc cùng bánh bột lọc ăn sáng. Khoảng 7h là lên đường. Cái xe thuê được là xe số, hừ hừ…Có cô sư cô lái nên mình khỏi lái. Thật vẫn chưa được ích lợi gì trong chuyến đi cả!

Nơi phát quà là xã Krong Pa, dân tộc Ba Na và xã Tân Bình dân tộc Gia Rai. Từ Tịnh Sơn qua Krong Pa khoảng 25km. Hai bên đường hoang sơ, vào mùa trồng mía nên chỉ thấy mía mà thôi. Thỉnh thoảng có chỗ trồng bắp, trồng mì. Ở đây không có sinh kế gì khác ngoài nông lâm nghiệp. Hết trồng mía, ngô, khoai sắn, tới tháng 3 thì vào rừng kiếm tổ ong. Tới tháng 8 mùa mưa thì vào rừng tìm nấm mối.

Nghe kể nấm mối ăn ngọt lắm, hái thích lắm, mình cũng muốn có được trải nghiệm vào rừng hái nấm ghê. Nhưng mọi người nhìn mình bảo không theo kịp người ta đâu. Người ta mà thấy nấm là sấn tới bất kể gai góc, nhiều khi hái xong nhìn lại chung quanh toàn gai, không rõ vì sao đã chui vào được.

Hồi xưa thì nấm mối không mắc, nhưng từ khi người Sài Gòn ăn nấm mối, nấm chuyển về Sài Gòn là chính nên giá cứ tăng dần. Năm ngoài khoảng 250 ngàn một kg ngay tại đây. Dù sao thì mình cũng muốn dịp đó sẽ quay lại nơi này, ai biết, trúng được ổ nấm mối thì sao.

Đợt này, sẵn mang cái chân máy theo nên mình dựng lên quay phim phát quà cho bà con dân tộc. Thế là từ đó về sau, đến nhà nào sơ Sang cũng kêu mình vào chụp, như thể mình lên đây để chụp hình vậy đó. Cuối cùng, cũng cảm thấy có chút vai trò “quan trọng” trong chuyến đi, hihi.

Trong các nhà ghé vào dọc đường từ Krong Pa trờ về xã Tân Bình, mình ấn tượng ba nhà.

Một là nhà của một “bà điên”. Nhưng khi tìm vào thì bà đã bỏ đi đâu mất. Nhà trống hua trống hoắc, quần áo hay giẻ cũng không phân biệt được. Đồ đạc mục nát. Ấy vậy mà nghe sơ kể là khi cho bả đồ, bả cũng biết giấu xuống dưới chiếu nghen.

Em bé ngồi giữa là em không đi lại được bình thường.

Một nhà khác là nhà một em bé, thấy mặt mũi sáng sủa binh thường, tay chân lành lặn. Nhưng không rõ vì sao mà không đi được. Có vẻ như hai cái đầu gối không duỗi gập được, nên em nó đi như lật đật. Phải mà ở thành phố lớn thì sẽ khác. Ở đây thì đành chịu thế. Muốn biết đó là bệnh gì cũng không biết, mà các sơ cũng chưa từng gặp ba mẹ của bé, vì đến toàn vào giờ họ đi làm rẫy. Sơ nói, nếu mà biết bệnh gì, chỗ nào chữa, thì nhà thờ giúp đưa bé đến nơi. Nhìn mắt bé thấy buồn quá.

Nhà thứ ba là một gia đình dân tộc Gia Rai, không quá khó khăn. Cụ ông và cụ bà đẹp lão lắm. Cụ bà cao chỉ khoảng 1m4 nhưng có tận 11 người con. Cụ có vẻ đỏm dáng lắm, khi được quay phim chụp hình thì cũng …điệu đà, ngúng nguẩy đáng yêu lắm. 

Sau khi phát quà xong, khoảng gần 12h trưa. Từ đây tới chiều là thời gian thưởng ngoạn. Theo dự tính là thẳng lên Trà Kê, điểm cao nhất chỗ gần đây. Mình nghe nói thì tưởng tượng ra khung cảnh núi non hùng vĩ, bên rừng bên thác. Tới Trà Kê mình không thấy gì đặc sắc, có tí thất vọng.

Nhưng khi mua xong đồ ăn và mang vào nhà thờ, lên nhà sàn ngồi ăn, gió mát lồng lộng, chuông gió tre thỉnh thoảng lốc cốc nghe thật vui tai. Đối diện nhà sàn là nhà thờ. Nghe đâu cha cố một mình, trong vòng 7 năm mà làm nên được cơ ngơi như vậy!

Mình ngồi ở nhà sàn ăn uống no say, gió mát, cảnh đẹp thích quá, nên mọi người rủ vào trong nhà thờ, rằng bên trong toàn gỗ hoành tráng lắm, mình lười không vào. Khung cảnh này, sao gợi lên một cái gì đó quen thuộc mình từng trải qua, kiểu như “ déjà vu”, mà mình không giải thích được.

Cha Triều, cha cố nơi đây còn trẻ, khoảng 40, sởi lởi, vui tính. Cứ trách sao không báo trước để cha làm cơm đãi, mà lại mua đồ ăn ngoài chợ. Xem chừng là lần sau lên vùng này, sẽ có thêm một địa điểm tiếp đón rồi đây.


Rời Trà Kê, chúng tôi đến thăm và cho quà vài gia đình nữa. Có một nhà, bà mẹ 86 tuổi, bị con trai đuổi ra khỏi nhà ngày khi tang chồng bà xong. Bà mẹ không biết đi đâu, bèn cất ngay cái chòi bên cạnh ngôi nhà để ở. Khi đến nơi, nhà anh con trai đóng im ỉm, còn bà mẹ thì chảy nước mắt khóc. Mình thì không hiểu luật pháp ở đâu, miệng đời ở đâu. Không có câu giải đáp!

Xong việc, chúng tôi đến thăm hồ Xuân Hương và nhà thờ sông Hinh. Trên đường, thấy sơ đeo một cái nhẫn bạc, tôi mới hỏi lai lịch. Thì ra đây là chiếc nhẫn ghi dấu lời khấn của một người tu sĩ. Có ba lời khấn : lời khấn khó nghèo (nguyện không có tài sản tiền bạc cho riêng bản thân), lời khấn khiết tịnh (nguyện sống độc thân suốt đời) và lời khấn vâng phục (nguyện vâng phục bề trên hợp pháp trong đức tin).

Lúc này đã thân hơn, tôi mới hỏi sinh hoạt của các sơ thì lấy ở đâu ra. Sơ mới giải thích là có một cộng đoàn nhánh tu. Tiền các nơi nhận được gom về một chỗ rồi phân chia ra các nơi theo như cầu. Như ở Tịnh Sơn thì không có làm gì ra tiền, thì chỉ xin tiền về sử dụng thôi. Sinh hoạt của các sơ cũng đơn giản và tiết kiệm. Từ đầu dịch đến giờ chắc cũng khó khăn nên việc phân bổ ngân sách của cộng đoàn có ít hơn.

Hỏi xong về 3 lời khấn nguyện thì cũng đến Hồ Xuân Hương. Hồ đơn sơ, mát mẻ chứ không có gì đặc sắc. Từ hồ qua nhà thờ sông Hinh cũng tiện đường, không xa mấy. Nhà thờ thiết kế hình tam giác, bằng đá tìm được ở ngay tại suối ở địa phương. Các phần bằng gỗ thì gỗ cũng rất hoành tráng ở địa phương. 

Các thanh tròn là đá lấy lên khi khoan giếng

Nhà thờ xây trên một phiến đá hẳn là to dày lắm, vì khi đào giếng, khoan sâu xuyên qua tảng đâ cả 150m hơn mới đến nước. Trục tròn đá khoan giếng cũng được dùng để trang trí. Mình có cầm trong tay một mảnh, đường kianh hơn 10cm, cao hơn 10cm, thấy cũng nhẹ, nhưng mình không lấy về.

Mình có nói với cha là mình phê bình cha, vì dùng gỗ thế này thì hại biết bao rừng, ka ka. Cha mở nhạc ngọt ngào tình cảm lắm nghen, mời uống trà Thái Nguyên, còn mình thì lo săm soi gỗ đá, ka ka.

Rời nhà thờ, chúng tôi đi thăm đập thủy điện sông Ba Hạ. Chỗ này là hồ thủy điện, phía xa là núi, mặt trời đang lặn xuống. Khi mặt trời khuất hẳn thì một tia sáng xanh lam rọi lên nền trời. Mặt trăng ngày đầu tháng từ từ hiện lên. 

Chà, đón hoàng hôn nơi đây thật tuyệt vời. Vì muốn quay cảnh hoàng hôn đến tận cùng nên mọi người phải chờ mình khá lâu. Mọi người ở đây bảo rằng cũng hiếm khi bỏ thời gian ngắm hoàng hôn như vậy, và cũng khá ngạc nhiên vì thái độ sung sướng hạnh phúc ngắm nhìn buổi chiều tà của mình.

Hoàng hôn xuống cũng đánh dấu một ngày làm việc đã xong. Mọi chuyện tốt đẹp, ai cũng thấy hài lòng. Riêng mình thì đặc biệt hài lòng, dù thấy có chút vô dụng vì không giúp được gì nhiều, xe cũng không lái tí nào, vì sư cô lái lụa là quá, nên mình ngồi im cho xong, hihi…

Nếu các bạn có thời gian rảnh rỗi, hãy thử về đây một chuyến, thăm người dân, hiểu thêm những mảnh đời khác. Phong cảnh không hoành tráng như Tây Bắc nhưng dòng kênh Bắc rất êm đềm, hoàng hôn ở thủy điện sông Ba Hạ thì rất tuyệt vời. Và bình minh thì rất tinh khôi nhé. Nếu ở tại chỗ, bạn sẽ nghe thấy cả tiếng chim kêu, chó sủa. Một không gian có vẻ hoang sơ nhưng lại rất ấm cúng.



Nhím tiểu thư

(1) : An lạc quán : 11 Phan Bội Châu, Thành Phố Tuy HòaPhú Yên.

(2) : Các bạn nếu muốn đến nhà thờ Tịnh Sơn thì hãy để lại lời nhắn nhé.