2 thg 1, 2023

Ấn tượng các loài hoa trong đời

Ấn tượng các loài hoa trong đời

 Hoa xuất hiện trong đời nàng từ lúc nào, nàng không nhớ được.

Hồi tưởng lại, loài hoa sớm nhất mà nàng ghi nhớ trong đời, chắc là khi nàng 6 tuổi. Đó là hoa trang, có nhiều màu đơn sắc, phổ biến nhất là đỏ cam, mùi thơm nhẹ. Nàng biết và ghi nhớ loài hoa này không phải bởi màu sắc hay hương thơm của chúng, mà bởi vì mút từng bông hoa nhỏ tí khi bứt lên, có vị ngọt man mát. Thủa đó, đám con nít như nàng thật ngây thơ, chẳng có suy nghĩ gì về cuộc đời thế này thế nọ. Hoa chỉ để mút mật ngọt, chứ không phải để ngắm nhìn hay nâng niu.

Rồi thì thược dược, hướng dương, mãn đình hồng, cúc, mười giờ, v.v cùng xuất hiện với nàng khi xuân về, bởi chợ hoa Tết ngay trước nhà nàng. Các loài hoa rực rỡ, tươi thắm, tràn đầy sắc xuân và nhựa sống. Nàng quen chờ đợi chợ hoa này, như chờ đợi xuân về, được lì xì, được mặc áo mới, được ăn bánh chưng. Mãi nhiều năm sau, đến khi chợ hoa bị dời đi, thay bằng phố đi bộ, lòng nàng có chút man mác. Cảm giác man mác một thời gian rồi cũng qua đi, chợ hoa trở thành ký ức.

Ngày lớp 5, nàng đã biết làm lưu bút khi hè về, đã nhớ đến hoa phượng. Những cánh phượng hồng đỏ thắm được làm khéo léo thành những con bươm bướm, ép trong các quyển vở trao tay. Nàng cũng bắt đầu thơ thẩn:

Phượng đã đến đây hè đã tới,

Hoa phượng rơi man mác tận lòng tôi,

Hoa phượng ơi hoa phượng đẹp muôn đời,

Nhưng hoa phượng lại là mùa ly biệt.

(Thơ sưu tầm)

Còn nhỏ tuổi mà đọc thơ sến sẩm vậy, nên tâm tính nàng cũng khá là u ám. Nàng luôn nghi ngờ mọi chuyện. Và tất nhiên, nàng nghi ngờ cả hoa hồng.

Hoa hồng - Ảnh : Nguyễn Linh Quang

Có một đóa hồng, được gởi cho nàng từ phương đông, không ghi một lời nào, khiến nàng luôn mãi băn khoăn. Liệu không ghi gì là đủ ý nghĩa, hay ghi ra thì thừa nhỉ? Không biết cành hồng này đã vượt qua những đâu, núi non sa mạc biển cả nào, đến với nàng lặng thinh như vậy. Rồi ai đó thì thầm với nàng rằng, lặng thinh không phải là trống rỗng. Lặng thinh là nơi ở của suy tưởng. Nơi đó, chắc hẳn là có thương nhớ… Theo năm tháng, sắc màu hoa đã  rất phai nhạt, dù hoa vẫn còn phảng phất hương thơm. Đó là hương thơm của một nụ hồng thuần khiết, trong sáng.

Một đóa hồng khác, một ngày đầu năm, được đem đến nhà nàng, cắm vào bình hoa cho nàng, khiến nàng rất bối rối. Chỉ bởi vì hoa hồng rất đẹp, và các cô gái đều xứng đáng nhận hoa hồng. Vậy thôi. Ấy nhưng mà ngày đó, vì tính nàng sến sẩm quá, nàng lại ép khô bông hoa, bởi nàng muốn có thể giữ được hoa thật lâu. Nhưng khi ép khô, hoa không còn hương sắc rực rỡ nữa rồi. Lần đó, nàng bị trách móc thậm tệ, vì đã đối xử sai trái với hoa. Nàng cảm thấy oan ức vô cùng và nàng khóc.

Hẳn là nước mắt có vị mặn, nên hôm sau nàng được gửi tặng một bó cúc vàng để xin lỗi. Hoa cúc vàng luôn có suốt bốn mùa, nhưng cũng dần không còn cần thiết nữa, vì những cãi vã dần nhường chỗ cho lặng thinh và xa cách. Bởi mầm mống của hiểu lầm bất tận chưa bao giờ được giải thích, nói rõ đến tận cùng. Ai cũng nghĩ mình đã hiểu đúng, dù là hiểu sai bét, vì biểu đạt những điều muốn nói trong lòng là điều không dễ. Mỗi người cùng đóa hồng và cúc vàng ôm trong lòng, không trao tặng, đi về những hướng khác nhau, gặp các loài hoa khác nhau.

Năm đó, nàng bỏ lên cao nguyên. Tháng giêng, hoa cà phê trắng muốt, nở thơm cả đất trời, xoa dịu bao buồn phiền, thất vọng trong lòng nàng. Nàng còn nhớ, cả thành phố như một lọ nước hoa khổng lồ, đón tiếp nàng thật hồn hậu, nồng ấm và chân thành. Nàng hít hà xuýt xoa mùi hương thanh thoát nhẹ nhàng tự nhiên đó, nàng thấy thật ấm áp. Nàng thấy như được an ủi bởi một người bạn thân quen từ muôn kiếp trước.

Hoa Fuschia - Ảnh : Nguyễn Linh Quang

Năm tháng trôi qua, nàng đi đến những vùng đất mới, nàng yêu một loài hoa khác, Fuschia. Tên hoa thật khó nhớ, nhưng đã nhớ thì lại nhớ sâu sắc. Loài hoa ưa bóng râm này thật khó tính, nhưng thật mới lạ, và nhiều màu sắc lắm. Mùa hè năm đó, Fuschia nở thật rực rỡ, chắc vì hoa cũng hiểu lòng nàng. Và nàng đã nghĩ nàng hiểu hết các đặc tính của hoa. Nhưng sang thu vào đông thì hoa trở nên còi cọc, bất kể nàng cố gắng chăm bẵm thế nào. Trái tim nàng năm đó cũng trở nên thật cô đơn và còi cọc như cây hoa vậy.  Fuschia không sống được ở xứ nhiệt đới nóng nực, dù nàng đã cố gắng trồng thử.

Theo thời gian, nàng chấp nhận hoa đến trong đời theo mùa, tô điểm cho đời sống, hết loại này đến loại khác. Các loài hoa thì nhiều, nhưng các loài hoa đến trong một đời người là giới hạn. Giới hạn của tháng năm, của địa lý, và của những người nàng gặp. Ký ức về từng loài hoa được ghi nhớ theo các cách khác nhau. Mỗi loài hoa có hương sắc, đặc tính riêng, có một sứ mệnh riêng trong đời nàng, mang lại sinh lực, năng lượng và tình yêu cuộc sống cho nàng. Khiến cho đời nàng tươi đẹp và phong phú. Dù thỉnh thoảng cũng có những nốt trầm, cũng chỉ để nàng phân biệt lúc này lúc khác, để hiểu thêm các loài hoa và thêm rõ chính nàng.

Nhiều năm tháng đã qua đi, nàng vẫn luôn yêu quý mọi loài hoa, dù là trong ký ức, hay trong đời thường. Nàng vui vì điều đó.

Nhím tiểu thư.



17 thg 7, 2021

 Những tháng năm rực rỡ : hướng về Hà Nội

Những tháng năm rực rỡ : hướng về Hà Nội

(Bài viết đã đăng báo Thanh Niên : Những tháng năm hướng về Hà Nội | Hà Nội thành phố tôi yêu | Thanh Niên (thanhnien.vn) và được chọn in sách "Hà Nội thành phố tôi yêu". Đây là bản thảo gốc).

Tôi được bạn cùng phòng trọ cho nghe bài hướng về Hà Nội (tác giả Hoàng Dương) vào một buổi tối mùa thu, khi tôi mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội trọ học. Hà Nội lúc đó rất lạ lẫm, khó ưa, khó gần. “Hà Nội ơi…thấu chăng lòng khách bơ vơ”, diễn tả thật đúng tâm trạng của tôi. Và thế là bài hát ngay lập tức vào trái tim tôi.

Lúc đó, tôi mới chỉ là cô gái 24 tuổi, lần đầu được sổ lồng đi học xa. Như cách tôi kể với mấy đứa cháu, là tôi phải làm cuộc cách mạng để tìm tự do. Đúng là tuổi trẻ đầy năng lượng, đầy khí chất. Đi xây dựng vương quốc của riêng mình, không ngần ngừ, ít tính toán. Nói đi là đi. Đúng là tôi có tự do. Tự do có đi kèm một chút trốn chạy. Trốn chạy những thân quen đang trở nên xa lạ, khiến trái tim tôi chưa thể ngừng thổn thức.

Tháp Rùa – Hồ Gươm

Từng bao ngày ngóng chờ được lang thang ở Hồ Gươm, đến khi thật sự dạo những bước đi đầu tiên, lúc đó là buổi sáng mùa thu, mặt trời dịu nhẹ. Một tâm hồn tràn ngập nỗi niềm trống vắng vì xa cách, bước lơ đãng trong buổi sáng tinh khôi, bỗng giật mình khi nghe giọng hát Hồng Nhung trong trẻo từ tiếng loa. Lời bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” (tác giả Trịnh Công Sơn), cất lên trong một không gian hoàn hảo, bỗng trở nên sâu xa lắng đọng lòng người. Cảm xúc đầu tiên đó, thật khó phai nhòa và không dễ có lại.

Nhớ những ngày đầu thu đó, trời mưa không to lắm, nhưng thường mưa rất dai, làm con đường đến trường trở nên rất lầy lội. Tôi đi bộ đi học, che bằng dù, lúc nào cũng bị bùn bắn bẩn quần. Nhưng cái cảm giác được cầm dù đi dưới mưa rất thú vị. Nhất là khi các con đường nhỏ và ngắn, nhà cửa hai bên rất thấp, để những tán cây dương vươn lên thật cao, những lá nhỏ, nhìn trong mưa thật yếu đuối và mềm mại. Và thường chỉ có mình tôi đi trên phố, với những suy nghĩ lung tung chẳng đâu vào đâu. Tôi không cảm thấy lạc lõng trong cái không gian đó, mà cảm thấy được sống trong một thế giới khác, an bình, lãng mạn, không phải lo lắng điều gì. Trái tim tôi dần được chữa lành như vậy.

Ngày sắp rời Hà Nội đi xa, tôi thường trầm tư, cố gắng gom nhặt, ghi nhớ những cảm xúc, những kỷ niệm, những hình bóng của mái nhà, con phố, những sinh hoạt bốn mùa, những đổi thay của gió, nắng, mưa, những tiếng cười, giọng nói của những người bạn. Họ vẫn hay trêu rằng tôi yêu Hà Nội thật rồi đó. Nhớ về Hà Nội lúc này là nhớ về hết thảy, rất chung chung, không có gì riêng biệt.

Trong thời gian học ở nước ngoài, một lần, tôi mở bài hát “Hướng về Hà Nội cho một người bạn, dân Hà Nội thứ thiệt nghe. Chẳng biết có phải lần đầu không, nhưng bài hát cũng ngay lập tức vào danh sách yêu thích của bạn ấy. “Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau…”. Bài hát như sợi dây kết nối chúng tôi với nhau. Hà Nội trở nên thân thiết hơn rất nhiều, vì gắn kết với riêng một người. Khác với tâm trạng bơ vơ lần đầu, trái tim nhỏ bé của tôi giờ đây lại rộn rã khi nghe bài hát. Bài hát và giai điệu vẫn thế, chỉ có tôi là khác.

Rồi theo năm tháng, sợi dây kết nối vẫn thế, vẫn như khi nó được ra đời, rất truyền cảm để kết nối những tâm hồn đơn côi, dù cho hai con người được kết nối năm xưa không còn kết nối gì với nhau nữa… Hà Nội gắn liền với những hoài niệm một thời tuổi trẻ nằm yên một góc.

Lá thu ở Hồ Gươm 

Rồi theo tháng năm, tôi là dân Sài gòn, mà không hiểu sao cứ kết bạn với hội Hà Nội. “Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong, hướng về ai nữa hay không”…Phải rồi, muốn gắn bó với một vùng đất, chỉ cần có những người bạn ở đó. Mỗi lần đi đâu, chơi hay công tác, nếu buộc phải ghé qua Hà Nội, chẳng bao giờ tôi ngần ngại, vì tôi biết mình luôn được tiếp đón. Tình yêu Hà Nội cứ được duy trì cùng những người bạn vậy đó.

Tình yêu ấy, coi vậy mà cũng lúc thăng lúc giáng chứ không yên bình. Cũng đôi lần, tôi chán ngán Hà Nội. Chán cái vẻ thâm u trầm buồn tôi từng yêu mến. Chán những cơn mưa phùn dai dẳng tôi từng thấy thú vị khi đi học dưới tán ô. Chán hết thảy mọi thứ... Rồi cảm xúc ấy cũng qua nhanh như gió mùa đông bắc. Hà Nội vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong lòng tôi.

Đặc biệt như những người bạn…

Đặc biệt như bốn mùa…

Đặc biệt như từng con phố…

Vâng, đấy là tình yêu Hà Nội của tôi.

Nhím tiểu thư.
Sài Gòn muôn phương

Sài Gòn muôn phương

 1. Đến và ở lại.

Ông nội tôi từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Bố tôi đi tập kết rồi quay về Sài Gòn làm việc sau hơn hai mươi năm. Anh chị em tôi được sinh ra ở khu mỏ than Quảng Ninh, rồi mới vào Sài Gòn  theo bố mẹ. Chúng tôi lớn lên ở Sài Gòn và có nhiều người thân, hàng xóm, bạn bè, mà đa phần cũng di chuyển từ đâu đó đến, từ đời ông bà hay bố mẹ. Sài Gòn dung nạp người tứ xứ chúng tôi như vậy đó.

Tới lượt mình, những người tứ xứ đến Sài Gòn, hấp thu sự khác biệt nơi này để hòa nhập. Tôi còn nhớ cô hàng xóm từ miền Bắc vào càu nhàu : “bánh thì gọi là bánh Da Lợn, da lợn thì gọi là da heo!”. Hoặc cô bạn tôi, cười nắc nẻ kể lại cho tôi câu chuyện tìm đường: “trời ơi, rẽ phải người ta nói là quẹo mặt!”. Ấy nhưng chỉ một thời gian sau, “da heo” hay “quẹo mặt”, nếu xuất hiện trong câu chuyện của họ, xuất hiện rất tự nhiên.

Một lần đi nhổ hành

Sài Gòn đồng hóa họ lúc nào, chính bản thân họ cũng không rõ, bởi đâu cần phải cố gắng gì. Chỉ đơn giản đến sống và làm việc. Chỉ đơn giản chấp nhận những tiếng dạ thưa, những danh xưng anh Hai, cô Ba, má Sáu v.v để trở nên gần gũi. Chỉ đơn giản mỗi người một việc, nhỏ có, lớn có, từ thùng nước, tủ bánh mì miễn phí, tủ quần áo “ai cần thì lấy, ai có thì cho”, những suất cơm cho người vô gia cư, đến những quán cơm xã hội, cây gạo ATM, v.v.

Gửi suất cơm cho người vô gia cư.

Sài Gòn vậy đó, luôn sáng tạo trong việc cho và nhận. Không bó gọn ở riêng nơi này, người dân Sài Gòn luôn cùng cả nước “Thương về miền Trung”, “Chung tay vì người nghèo”, chống covid-19, góp tiền mua vắc xin, v.v.  Cũng không phải mới mẻ, những địa danh “ngã tư Bảy Hiền”, “cầu Thị Nghè”, “ngã ba ông Tạ”, v.v., gắn liền với câu chuyện về những người Sài Gòn tử tế từ xưa, là những minh chứng hùng hồn về tình người nơi đất này.

Làm sao để giao dịch online an toàn

2. Đi và trở về.

Từ Sài Gòn, khoảng những năm 90, một số bạn tôi đi xuất cảnh. Có một số bạn thất lạc, nhưng may mắn vẫn còn giữ được liên lạc với nhiều người. Đến những năm sau đó, một số bạn có học bổng đi học ở xa, Nhật, Úc, Anh, v.v. Tôi thì ra Hà Nội. Dù ở các địa điểm, múi giờ khác nhau, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên.

Sau 3 học kỳ học ở Hà Nội, tới lượt tôi qua Canada thực tập. Ngày đó, tôi có 500 đô la chuẩn bị cho chuyến đi, nghĩ cũng hòm hòm đủ. Qua đến nơi, sau khi hoàn tất thủ tục, sẽ nhận được học bổng, đủ để chi tiêu, không phải lo lắng gì. Tuy nhiên, V., người bạn bên Mỹ, gửi tặng tôi một khoản tiền. Tôi chần chừ không muốn nhận vì thấy mình cũng không thiếu. V. nói V. đã đi làm, có dư tiền rồi, V. giúp đỡ tôi một chút, sau này tôi đi làm, có dư tiền thì lại lan tỏa đến những người khác, như vậy tốt hơn. Nghĩ cũng hợp lý, nên tôi nhận.

Không ngờ, số tiền đó cần thiết cho tôi. Tôi tiêu hết tiền mang theo, chỉ còn ít xu lẻ, mà học bổng hai tháng bị trục trặc chưa sử dụng được. Tôi lại cần mua thuốc. Hôm đó, tôi ghé vào một tiệm thuốc tây, tìm được một vỉ thuốc, vừa đúng số tiền xu còn lại. Tôi quên mất là giá ghi ở quầy chưa bao gồm tiền thuế 15% ở xứ này. Thế nên, ở quầy thu ngân, tôi không có đủ tiền để thanh toán. Tính trả lại, thì anh bán hàng nói với tôi bằng giọng miền Nam, hỏi thăm tôi và bảo cứ lấy thuốc đi, anh sẽ bù chỗ thuế tôi không có đủ cho! Cử chỉ đó làm tôi thấy rất ấm áp. Khoản tiền nhỏ lúc đó lại cực kỳ cần cho tôi.

Vào đầu những năm 2000, điều kiện xin nhập tịch vào Canada rất dễ. Các bạn của tôi, rất nhiều người xin ở lại. Ngày đó, tôi cũng có lăn tăn cái được cái mất giữa ở lại và quay về, nhưng sau cùng, tôi vẫn muốn quay về. Chọn lựa đó, lúc đầu khá chông chênh. Nhưng tận một năm sau, khi cuộc sống ở Sài Gòn dần vào guồng quay và ổn định, tôi mới dám chắc là mình đã chọn lựa phù hợp cho chính mình. Và ngoài kia, tôi biết, có rất nhiều anh chị em, cô chú, đã ra đi khắp nơi trên thế giới, đã thành danh, cũng chọn quay về.

Mà dù cho quay về hay không, cũng đâu có gì quan trọng. Bất chấp dịch covid-19, lượng kiều hối về Sài Gòn vẫn cao kỷ lục đó thôi. Những con người nơi đây, dù ở tại chỗ hay đi muôn phương, vẫn gìn giữ tình người, vẫn bằng cách này hay cách khác, góp phần nhỏ của mình cho gia đình, bạn bè, và cho cái tên thân thương “Sài Gòn”.

Nhím tiểu thư.

 Hương vị Sài Gòn

Hương vị Sài Gòn

Trước khi biết đến cái tên “Sài Gòn”, tôi chỉ biết đến cái tên “miền Nam”. Bởi mỗi lần bố tôi từ miền Nam ra, các cô chú trong đó gửi cho rất nhiều đồ ăn và quần áo. Tôi vẫn nhớ mùi thơm ngọt ngào của kẹo dừa, bánh tráng sữa và sự ấm áp của một cái áo bằng dạ. Mùa đông mặc thì ấm không chê vào đâu được. Ở khu mỏ Quảng Ninh, cả xóm không ai có được cái thứ hai giống như thế.




Năm 1982, tôi gần sáu tuổi, bố tôi được chuyển công tác về Sài Gòn. Lúc đó đang là giữa năm học của anh chị tôi, lại chưa được cơ quan sắp xếp chỗ ở dài lâu, nên bố mang tôi vào trước, khi nào hết năm học thì đón anh chị cùng mẹ tôi vào sau.

Mới vô, tôi được chú Thế đến đón lên ở cùng với bố vài ngày. Sau vài câu hỏi thăm, chú ghé mua ngay cho tôi một ổ bánh mì Như Lan. Vì theo chú, ở Sài Gòn là phải biết và phải thưởng thức món này. Hương vị của bơ, pa tê, chả lụa, đồ chua, hành ngò, hòa quyện làm nên hương vị thơm ngon của ổ bánh mì, tận mấy chục năm sau tôi vẫn còn hình dung ra được.

Một buổi sáng khi được bố chở đi bằng xe đạp, tôi cho chân vào căm lúc nào không biết! Chân tôi sây sát nhiều. Trong khi bố tôi lúng túng, tôi nước mắt ngắn dài vì đau, thì bà con chung quanh chạy đi mua bông băng, thuốc đỏ về sát trùng băng bó cho tôi, miệng luôn xuýt xoa “tội nghiệp quá, chắc con nhỏ phải đau lắm”. Mùi hăng hắc của thuốc đỏ bốc lên, tiếng xôn xao cùng ánh mắt lo lắng của bà con làm tôi quên đau, nín khóc lúc nào không hay. Lần đầu tiên tôi thấy và biết mùi thuốc đỏ trong hoàn cảnh như vậy đấy.

Nắng qua hiên nhà - kỷ niệm về bố

Bố tôi công tác ở Thủ Đức, cách Sài Gòn 20 cây số. Vì điều kiện sinh hoạt ở đó không phù hợp, tôi được gửi ở gia đình cô Thìn, chú Hữu, bạn thân của bố. Cô chú nhận nuôi tôi và không nhận tiền nong gì cả. Ở nhà cô chú, tôi lần đầu được thưởng thức các món của người miền Nam, khổ qua dồn thịt, ba chỉ xào mắm ruốc, canh chua cá lóc, v.v. Hương vị của các món ăn đặc trưng này trở nên thân quen và ưa thích với tôi qua từng ngày, dù ban đầu có đắng và hôi.

Canh chua cá lóc

Một hôm mải chơi, tôi theo trẻ con trong xóm đi xa tít. Hôm đó, tôi mặc cái áo bà ba mới tinh được cô chú cho. Tôi rất hãnh diện vì cái áo đẹp và lạ trong mùi vải mới thơm tho. Nhưng khi chơi rượt bắt, tà áo bay phất phơ, trẻ con cùng xóm mỗi đứa túm kéo một cái thì áo rách lên tới nách. Mãi trưa không thấy tôi về, cả nhà cô chú tỏa ra đi tìm và vô cùng lo lắng. Lần mò mãi thì cũng tìm ra tôi. Lần đó tôi bị quỳ gối và mắng rất nhiều. Ngày đó, tôi không hiểu được đi lạc hay bị bắt cóc là như thế nào. Mãi sau này hiểu ra thì mới thấy bị phạt như thế là quá nhẹ.

Toàn cảnh một vụ trộm hết tiền trong tài khoản ngân hàng

Tôi còn bị mắng mỏ thêm một lần nữa. Chẳng là tôi có hẳn một bao tải đồ chơi, do cô Dung, đồng nghiệp của bố tôi cho, vì con cô ấy đã lớn. Bao tải đồ chơi ngày đó rất đáng giá, mà tôi nào có biết. Nên khi hai anh em trẻ con cùng xóm “dụ dỗ” tôi đổi đồ chơi lấy mận ăn là tôi đổi luôn! Trái mận ngày đó màu trắng phớt xanh, hương vị ngọt dịu và thơm mát làm tôi mê đắm. Mãi thì bao tải đồ chơi chỉ còn rất ít và mọi người cũng phát hiện ra. Toàn bộ đồ chơi được hai anh em đem qua trả cho tôi dù khóc sướt mướt. Người lớn thì cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng quay sang bọn chúng tôi mắng vì “thương vụ” này.

Sau tám tháng ở nhà cô chú thì cả nhà tôi đoàn tụ. Dù sống xa gia đình, khoảng thời gian này của tôi vẫn luôn vui vẻ, đầm ấm. Cả nhà vô cùng nhạc nhiên vì lúc này tôi đã nói giọng miền Nam, lại còn có thể ăn được cả ớt, khổ qua, mắm ruốc. Bởi ớt đâu có cay xè trong ổ bánh mì thịt, khổ qua đâu có đắng khi dồn thịt hầm, và mắm ruốc thì đâu có hôi khi xào cùng thịt ba chỉ. Tôi đã hòa nhập và trở thành người Sài Gòn nhanh như vậy đó.

Hồi tưởng lại, Sài Gòn đến với tôi đầy ắp hương vị, mà ẩn sâu trong đó là biết bao nghĩa tình, tình bạn bè, chòm xóm, đồng nghiệp và cả tình của những người xa lạ. Đến hôm nay, Sài Gòn vẫn không thay đổi, vẫn bình dị như những món ăn hàng ngày, nhưng lại rất cần thiết, hễ đi xa thì lại rất nhớ.

Sài Gòn đón nhận người tứ xứ như gia đình tôi vào lòng, mỗi người một hương vị khác nhau, dung hòa tất cả sự khác biệt. Không có ghét thương hay ưu ái một hương vị nào. Mỗi hương vị vẫn nhè nhẹ tỏa hương của riêng mình và hòa quyện cùng nhau, tổng hợp thành một hương vị mới, hương vị Sài Gòn.

Nhím tiểu thư.

6 thg 7, 2021

Tình chị mà duyên em

Tình chị mà duyên em

Chị và anh học cùng lớp cấp 3. Chị dễ thương, xinh xắn, nấu ăn rất ngon. Anh đẹp trai, hát hay đàn giỏi. Họ là một đôi rất đẹp. Ra trường, không ai đậu đại học. Ngày đó thi đại học còn rất khó khăn.

Để tránh phải đi bộ đội, đi chiến trường Campuchia khốc liệt, gia đình anh chạy cho anh một suất đi xuất khẩu ở Tiệp Khắc. Chị thì an phận ở nhà buôn bán. Ngày chia tay sướt mướt, thề non hẹn bể.

Sau 2 năm nơi xứ người, anh viết thư nói chị hãy quên anh đi, xem anh như người bạn. Có người bạn chung bên đó cũng kể rằng anh có người khác rồi. Cũng đành thôi, vì xa mặt cách lòng, mà cuộc sống xứ người gian khổ. Tình đầu trong sáng ngây thơ, chưa đủ gắn bó giúp anh vượt qua cô đơn nơi xứ người. Hẳn là anh tìm thấy người phù hợp hơn nơi đó.

Chị buồn rầu, sau một thời gian thì cũng chấp nhận sự theo đuổi của một người khác, nên vợ nên chồng. Việc buôn bán ngày một phát đạt, con cái đề huề, gia đình hạnh phúc.

Sau gần 30 năm, anh vẫn tay trắng lặn ngụp xứ người. Lần đầu về Việt Nam, không hiểu sao, anh lại gặp và cặp bồ với em ruột của chị! Cô em li dị chồng và làm ăn thất bát mà chị phải cưu mang nhiều lần. Họ đi chơi với nhau và đem về cho chị một cục nợ, mà chị phải thanh toán.

Thôi thì tiền bạc không nói làm gì, nhưng chị cảm thấy có chút đau lòng. Sao không phải là người khác, mà lại là em ruột của mình? Sĩ diện của anh ở đâu, mà anh để cho chị thanh toán cục nợ kia! Rồi thì họ tha nhau qua xứ người, cũng là khuất mắt.

Chắc hẳn ai rơi vào cảnh này mới hiểu được nỗi lòng của chị. Qua cơn bão lòng, thôi thì chị cũng mong họ hạnh phúc.

 

Nhím tiểu thư.